BÁC HỒ VỚI “TỨ TUYỆT”CỦA CÕI NHÂN SINH

02/03/2023 317 lượt xem

Nhân Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây (1959 – 2019) 28/1

BÁC HỒ VỚI “TỨ TUYỆT”CỦA CÕI NHÂN SINH

Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết sự “tứ tuyệt” của cõi nhân sinh là “Nhất mộc, nhị vân, tam nhân, tứ thứ”. Có nghĩa rằng từ hẹp nhất là nơi ở của một gia đình đến rộng nhất là cả trái đất phải có đủ và đúng thứ bậc quan trọng của bốn yếu tố. Đứng hàng đầu là cây cối, thứ hai là mây trời tức không gian, thứ ba là con người, thứ tư là các loài cầm thú. Con người là trung tâm của cõi nhân sinh nên phải biết tôn tạo và hưởng thụ luôn đi đôi. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta rất yêu thiên nhiên, luôn sống hòa đồng với thiên nhiên và tôn tạo thiên nhiên. Đó là thiên tính cao đẹp của người. Cây đứng vị trí hàng đầu của cõi nhân sinh. Có thể nói trái đất không có cây thì đồng nghĩa với không có sự sống. Cây góp phần tạo cảnh quan tươi đẹp cho mọi nhà, mọi quê hương đất nước. Cây tạo ra thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp cho các loài động vật, trong đó có loài người. Cây chống lũ quét, chống xói mòn sụt lở, bảo vệ đất đai bờ cõi. Cây làm vật liệu rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Cây còn che chở cho những cuộc hành quân chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và quan trọng nhất là giờ đây chỉ có cây mới đối phó được sự biến đổi khí hậu trái đất. Vì vậy ở nước ta Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây từ năm 1959. Còn thế giới thì mãi gần đây Tổ chức Liên Hợp Quốc mới có nghị quyết về tạo hành tinh xanh để đối phó với sự biến đổi khí hậu trái đất. Như vậy tư duy sáng suốt của Người đã đi trước thời đại hàng nửa thế kỷ. Nhân loại đang đứng trước một thử thách lớn đe dọa hủy diệt sự sống. Đó là sự phát triển không bền vững của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phá vỡ môi trường sống. Màu xanh của thảm thực vật và màu nước mát lành của đầm hồ nhiều nơi bị xóa đi. Lượng ô xy trong khí quyển giảm sút nghiêm trọng . Trái lại khí CO, và các khí thải độc hại, bụi bặm nguy hiểm quá mức cho phép. Số lượng công bố năm 1995 là các hoạt động của ngành công nghiệp trên thế giới mỗi năm thải ra 95 tỷ tấn CO2, bình quân mỗi người chịu 4,7 tấn. Hiệu quả là tầng ôzôn cấu tạo bởi ôxy đã bị thủng. Các nhà khoa học cho biết đến tháng 10 -2005 lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam Cực đã rộng trên 10 triệu km (bằng diện tích Châu Âu). Tầng ôzôn là lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất. Nó chặn tia cực tím nguy hiểm. Nay tia cực tím phóng thẳng xuống trái đất phá vỡ hệ thống miễn dịch của con người và động vật nói chung, gây bệnh ung thư và các bệnh tật khác đồng thời phá hủy các vật liệu nhanh.

Nạn ô nhiễm không khí gây hiệu ứng nhà kính và nhiều vùng đất trống đồi núi trọc khiến nhiệt độ trái đất tăng lên. Những tảng băng ở Bắc Cực đang tan. Mực nước biển sẽ dâng lên,một phần đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc Bộ sẽ chìm trong nước. Hậu quả của lỗ thủng tầng ôzôn, hiện tượng hiệu ứng nhà kính và thiếu cây xanh còn làm cho khí hậu trái đất trở nên khốc liệt. Nạn lũ lụt, hạn hán, bão tố nặng nề, nóng rét bất thường làm chết người chưa từng thấy. Một số bệnh hoạn mới của người và vật nuôi chưa có thuốc chữa đang xảy ra. Sự sa mạc hóa đang đe dọa 2 tỷ người ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Á và một phần Châu Mỹ.

Để đối phó lại, ngoài việc các nước công nghiệp hiện đại phải giảm thiểu lượng khí thải công nghiệp, chỉ có cây mới cứu được trái đất, cứu được nhân loại. Cây là lá phổi xanh của trái đất. Cây trên trái đất quang hợp hấp thụ 70% lượng khí CO, trong khí quyển đồng thời sản xuất ra ôxy cho sự sống. Một cây cổ thụ sản xuất ôxy đủ nuôi bốn người. Sân cảnh, vườn cảnh, cây cối quanh ta sản xuất ôxy cho ta sống. Rồi ta lại biết nhiệt độ của thời tiết hàng ngày không phải do bức xạ trực tiếp của mặt trời mà chính là do bức xạ của mặt đất. Mặt đất hấp thụ nhiệt của mặt trời và tỏa nhiệt vào lớp không khí ta đang sống. Vì vậy mới có hiện tượng càng lên cao nhiệt độ càng thấp. Cây che ánh nắng và cây quang hợp tiếp thụ bớt sức nóng của mặt trời góp phần điều hòa nhiệt độ trái đất. Vì vậy Liên Hợp Quốc đã có nghị quyết khuyến cáo nhân loại nếu mỗi người trên thế giới mỗi tháng trồng một cây xanh thì sau 10 năm lỗ thủng tầng ôzôn sẽ biến mất và khí hậu trái đất trở lại ôn hòa. Muôn thuở cây với người sống tương sinh, tương ứng, tương liên, đồng hóa, đồng khí, đồng cảm, sống chết có nhau.

Không chỉ phát động toàn dân trồng cây mà ở đâu Bác cũng tạo dựng khuôn viên tứ tuyệt và sống trong tứ tuyệt. Đặc biệt về Hà Nội, Bác không ở lâu đài Chủ tịch Phủ mà ở ngôi nhà sàn có “ Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, có vườn cây chủng loại phong phú. Đặc biệt là hầu hết các cây trong vườn Bác chọn trồng đều gửi gắm một ý tình sâu sắc. Cây muồng đào trĩu trịt những bông hoa năm cánh nhị vàng sáng tươi như vô vàn ngôi sao lấp lánh trên lá cờ Tổ Quốc vẫy gọi. Bác trồng cây vú sữa và năng vun tưới, chăm sóc là nỗi nhớ thương và mong mỏi đồng bào miền Nam mau được giải phóng. Bác chăm sóc cây đa thể hiện sức sống trường tồn, Bác vít dần một nhành đa cho đến khi cắm xuống đất để ra rễ như một gốc phụ và treo những chai nước để nhử dần một số rễ ký sinh cho đến khi bám đất. Bác đặt tên là cây đa “kiên trì”. Kỷ niệm dịp Bác tiếp nữ phi công vũ trụ Liên Xô Têrescova sang thăm Việt Nam, Bác trồng cây ngọc lan và đặt tên là cây lan “vũ trụ”. Bờ ao có một loại cây rễ lan ra đến đâu là ở đó có hàng loạt rễ trồi khỏi mặt đất lô nhô như những ông bụt. Bác đặt tên là cây “bụt mọc”, phải chăng nói lên lòng nhân từ bác ái của Bác, của đất nước, con người Việt Nam. Nơi đây là trung tâm quy tụ con người, thường xuyên có khách quốc tế, đồng chí, đồng bào và các cháu thanh thiếu niên nhi đồng đến quây quần quanh Bác. Ở Việt Bắc, Bác nuôi chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Ở đây Bác nuôi cá tạo cảnh làng quê Việt Nam vườn cây ao cá thanh bình. Bác đã đi xa nhưng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn đó, mãi mãi nhắc nhở chúng ta tự hào về Người “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” mà năm 1987 tổ chức thế giới Unesco đã ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời chúng ta nguyện làm theo lời Bác kêu gọi trồng cây và chăm sóc bảo vệ cây cho đất nước giàu đẹp và môi sinh an lành. Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam chúng tôi đã và đang hành động tích cực để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện ý tưởng cao đẹp và lời dạy thiết thực, bất hủ của Người.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…