BÀN VỀ BẢO TỒN – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT CỔ

04/03/2023 206 lượt xem

Bảo tồn cây cảnh nghệ thuật (CCNT) cổ không chỉ là tinh thần kế thừa truyền thống và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà quan trọng hơn là CCNT cổ vẫn đang cần và chắc chắn sẽ còn cần lâu dài đối với xã hội. CCNT cổ thịnh hành lâu đời gồm có cây thế ở Miền Bắc và kiểng cổ Nam Bộ. Trong kỷ yếu của “Hội thảo kiểng cổ Nam Bộ” tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ ngày 10/02/2001 ghi nhận: “Kiểng cổ Nam Bộ có họ hàng với kiểng thế Miền Bắc. Kiểng thế là gốc…” (VNHS số 95 tháng 8/2001). Về phương pháp sáng tác và tư tưởng sáng tác của kiểng cổ Nam Bộ có phần khác với cây thế. Phạm vi bài viết này chủ yếu nói về cây thế.

Với lối tạo hình đặc biệt, CCNT cổ có tác dụng gây ấn tượng trật tự, kỷ cương, nền nếp, luật lệ, nghiêm cẩn, trang trọng, thiêng liêng, trầm mặc nên thích hợp nhất với những nơi tôn nghiêm như cơ quan, trường học, đại hội, đình chùa, nhà thờ, nghĩa trang liệt sĩ… Có thể nói không một loại hình CCNT nào khác đặt vào những nơi ấy lại có tác dụng tôn vinh cái thần của cảnh quan lớn hơn CCNT cổ. Mặt khác, nhiều thế cây có ở Miền Bắc còn chuyển tải những chủ đề tư tưởng có giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là cốt cách cao quý, đạo đức chuẩn mực, ước vọng chân chính thuộc về bản sắc văn hoá Việt Nam, có giá trị vĩnh cửu. góp phần bồi bổ cho phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ. Cho nên không chỉ những nơi công cộng cần CCNT cổ mà nhiều gia sinh muốn xây dựng nền nếp gia phong cũng có nhu cầu cao.

Tạp chí Việt Nam hương sắc (VNHS) số 169 tháng 10/2007 (trang 22, 23) đăng tải bài “Vấn đề bảo tồn CCNT cổ” của tác giả Đức Minh thể hiện sự băn khoăn trong việc bảo tồn. Cũng may là tác giả đã nêu lên vấn đề để chúng ta cùng bàn cho sáng tỏ. Nội dung chính của bài viết là tác giả muốn tìm mẫu CCNT cổ để làm theo. Đầu tiên tác giả muốn xem mẫu cây thật nhưng “chưa ai dám chỉ cho hội viên và bà con đầu có bộ sưu tập cây cảnh cổ theo đúng nguyên mẫu” (ĐM). Không thể có được, tác giả phải tìm mẫu là ảnh chụp và tranh vẽ cây trong sách báo tạp chí. Qua hai ảnh và năm hình vẽ cây, tác giả phủ định rồi  đặt câu hỏi: “Vậy có nên nếu vấn đề cần bảo tồn không và theo mẫu ở đâu?”. Những người có thực tiễn và giàu tâm huyết đối với nghệ thuật SVC nước nhà không ai là người không thấy hiển nhiên CCNT cổ là di sản văn hoá vừa là vật thể vừa là phi vật thể của dân tộc. Thế hệ chúng ta hôm nay đối với di sản quý báu của ông cha mình để lại cố nhiên là phải trân trọng và kế thừa, không nên phân vân là “cần bảo tồn hay không”. Hiếm có người lại “bắn súng lục vào quá khứ, phủ định truyền thống.

Còn việc “theo mẫu ở đâu” chúng ta nên bàn cho kỹ. Trước hết ta cần biết rằng nghệ thuật nói chung không có mẫu. Đương nhiên muốn trở thành một nghệ sĩ đúng tầm thì nhất thiết phải đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều tác phẩm của người khác nhưng để rồi phải quên đi và cái gì còn lại là của mình, giống như nhiều người cùng uống nước suối nhưng thành máu riêng của từng người. Nếu không sẽ trở thành nghệ sĩ tương tự. Trong văn hoá không có gì khó hơn việc thoát ra khỏi ảnh hưởng của người khác. Còn bắt chước và sao chép là thói quen nguy hại nhất của người nghệ sĩ. Bởi lẽ nghệ sĩ là một cá nhân có khả năng sáng tạo, sáng tạo là làm ra một cái gì đó không giống với tất cả những cái đã từng có trước đây. Cho nên những CCNT đích thực thì không cây nào được giống cây nào, kể cả những cây thế cổ có cùng một tên chủ đề tư tưởng, ở cùng một vùng miền, của cùng một tác giả. Sự độc đáo, có một không hai mới là nghệ thuật. Cho nên làm nghệ thuật đừng bao giờ câu nẻ vào mẫu mã.

Ấy là chưa kể đến nhiều luận cứ của tác giả Đức Minh đưa ra cũng cần phải bàn. Nhưng khuôn khổ một bài báo không cho phép viết dài. Tôi chỉ xin điểm qua. Việc tác giả đòi hỏi một người nào đó phải có cả một bộ sưu tập CCNT cổ theo đúng mẫu để đến tham quan thì mới tin sự thật có cây thế là hết sức phi thực tế. Đến quốc gia cũng chưa biết đến bao giờ mới có được một trung tâm bảo tồn nghệ thuật SVC, nói gì đến một cá nhân. Tác giả lại dẫn ra hai ảnh và năm hình vẽ cây rồi tự mình nâng lên là mẫu. Tôi nghĩ chắc chắn người viết sách và tạp chí có những hình ảnh ấy không đề dưới là mẫu mà chẳng qua chỉ là hình ảnh minh hoạ một cách tương đối cho phần lý luận đồng thời trang trí cho hình thức cuốn sách, tờ tạp chí thêm sinh động. Những bạn đọc có thiện chí sẽ thông cảm ngay ngay với tác giả cuốn sách, tờ tạp chí là khó có thể cầu toàn trách bị được. Về ảnh dù biết là chưa đạt cũng không thể có điều kiện đi tìm khắp nước để chụp được một cây long giáng đúng nhất, đẹp nhất. Về hình vẽ có cái khó là từ một tác phẩm cây tạo hình trong không gian ba chiều chuyển thành hình vẽ trên mặt phẳng. Chính vì vậy mà tác giả Đức Minh khó nhận biết, coi ba cây giống nhau chứ có chỗ khác đấy. Thí dụ cây hạc lập nhánh ở gốc rất thấp tượng trưng cho cổ con rùa chứ không phải làm tử và cành tế thân (cành thứ hai ở các thế khác) đưa lên trên hai cành tả hữu gọi là cành hầu tượng trưng cho ức chim hạc. Tác giả Đức Minh còn khẳng định “Chưa kể những mẫu bảo là của Việt Nam xưa nhưng thực chất lại là mẫu cổ của nước ngoài”. Xin hỏi căn cứ vào cơ sở khoa học nào mà tác giả kết luận như vậy? Riêng tôi thì chỉ thấy thông tin ấy ở một tập sách vu vơ chép vẽ tay về cây thế.

Vậy bảo tồn CCNT cổ là bảo tồn cái gì? Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có phần lý luận cơ bản chung của bộ môn ấy. Các nghệ sĩ phải học và nắm chắc trong sáng tác. CCNT cổ cũng vậy. Phần lý luận cơ bản ấy hầu hết đã được đăng tải nhiều kỳ trong VHFS, bắt đầu từ số 102 tháng 3/2002 với tiêu đề “Nghệ thuật” biểu đạt của cây thế cổ Việt Nam”. Bài này chỉ xin trình bày một số nội dung chính như sau:

Bộ gốc rễ của CCNT cổ là biểu trưng của cội nguồn tiên tổ, là nền nhân cốt nghĩa của gia tộc nên phải nổi lên bề thế và vững vàng bám đất. Cũng do vậy những thế phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, tỷ muội hai thân phải cùng một gốc, tức là cùng một cội nguồn huyết thống. Những thế phu phụ, bằng hữu, quần thụ các cây có gốc rễ riêng.

Thân cây thế là biểu trưng cho cha mẹ, thế hệ chuyển tiếp nên không bao giờ đơn giản thắng tuột, nhẫn thín, “đầu đuôi bằng nhau” mà phải “gốc bổ ngọn chỉ” và đường đi cần thể hiện những cam go trắc trở, thân mình đầy dấu tích của những nếm trải trong cuộc đời mà vẫn vươn lên kiêu hãnh và nở ngành sinh ngọn. Thân cây với bộ gốc rễ lộ căn như trên mới đạt tiêu chí cổ thụ, trường thọ. Đường đi của thân cây còn phải phụ thuộc vào tên thế. Trực liên chi, quân tử chính trục, độc trụ kình thiên thân tương đối thẳng. Những cây là biểu tượng của phái nam đường nét phải khoẻ khoắn, mạnh mẽ, dứt khoát, ngược lại của phái nữ phải mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng. Những cây là biểu tượng của tuổi già như lão mai, lão liễu, lão tùng thân phải gập xuống như lưng còng. Những cây thế long thân uốn lượn hình lò xo hay làn sóng…

Hệ thống cành là biểu trưng cho con cháu nên không được đơn bạc, khuyết trống, chi trên không đè chi dưới, các chi không được tranh giành chen lấn nhau. Ngọn tồn tại là sự vươn lên ước vọng và luôn hướng về gốc rễ cội nguồn.

Lá CCNT cổ là biểu trưng cho sức sống nên phải đanh mà vẫn xanh tươi, vẫn nảy lộc non, chồi biếc đầy hứa hẹn, rực sáng tương lai.

Nghệ thuật đặc thù nhất của CCNT cổ là tạo hình bông tán cành, ngọn. Các cành được phân bổ rành mạch, cân đối, các tán tạo hình mâm xôi nằm song song với nhau, cũng là song song với mặt chậu. Không một chút nghiêng ngả, lệch lạch. Bông ngọn tạo hình quả phúc ở chính giữa hệ thống bông tán cành. Hình tượng tổng thể của CCNT cổ là sự cân đối, hài hoà, trang nghiêm.

Hai thủ pháp nghệ thuật cơ bản mà ông cha ta đã vận dụng để sáng tác là tượng hình (tạo cho cây có những nét mô phỏng hay cách điệu theo hình dáng sự vật hoặc theo ý niệm của tác giả) và nhân hoá (biện pháp nghệ thuật biến cây thành người trong cách thể hiện). Ngoài ra tên chủ đề của mỗi thế cũng đã một phần nào mô tả hình dạng của cây rồi. Từ đó không thể lẫn lộn thế nọ với thế kia được. Bạt phong hồi đầu phải khác nghinh phong. Độ lớn nhỏ của hai thân trong thế phụ tử, mẫu tử phải khác độ lớn nhỏ của hai thân trong thế huynh đệ, tỷ muội. Con hạc trong thế hạc lập phải khác con phượng trong thế phượng vũ. Con rồng không thể như con rắn được…

Tóm lại, bảo tồn CCNT cổ là bảo tồn phần lý luận cơ bản trong sáng tác còn tất cả cây thực dẫu có đẹp và hình ảnh của nó cũng chỉ là cần cho sự tham khảo mà thôi.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…