BẢNG ĐIỂM ĐÁNH GIÁ – MỘT CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

04/03/2023 299 lượt xem

A. Chọn cây dự thi: Những tác phẩm dự thi phải là thành phẩm hoàn thiện. Nghĩa là ý tưởng của tác giả đã thực hiện xong, không còn phải chằng chống, quấn dây kim loại. Các dấu tích trên cây trong quá tình tạo dựng, đặc biệt là các vết cắt đã đạt độ mịn tương đối tự nhiên. Bốn tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn của một CCNT Việt Nam phải đạt đẳng cấp nhất định.

B. Cách cho điểm: Tổng số điểm cho nghệ thuật của cây là 100 điểm, điểm thưởng cho nghệ thuật trình bày và phối cảnh trong tác phẩm là 5 điểm, được chia như sau:

1. Đánh giá tổng thể tác phẩm: (20 điểm)

Nhìn tổng thể cây có tính nghệ thuật cao. Hình ảnh, đường nét độc đáo, bút phá ngoạn mục đầy sáng tạo (10). Cây có hồn nên hút hồn mạnh mẽ người thưởng ngoạn (10).

2. Bệ gốc và hệ thống rễ phụ: (20 điểm)

Bộ rễ gốc phải lộ căn tức là phải nổi lên bề thế, vững vàng bám đất rất tự nhiên, vươn tỏa đẹp và phù hợp với thế cây, dáng cây, tạo cảm giác vững chãi, cổ thụ. Cây dáng trực, bộ rễ vươn tỏa đều quanh gốc, các dáng xiêu, hoành, huyền, bộ rễ vươn tỏa lệch hướng trái chiều với phía cây đổ (15).

Hệ thống rễ phụ bám đất phải thoáng đãng, thẳng tắp và rành mạch chứ không được lộn xộn, rối tinh. Nếu có nhiều rễ bám theo thân cây và hàng loạt rễ gió buông lửng nữa thì cây càng có giá trị cổ thụ và thơ mộng (5).

3. Thân cây: (20 điểm)

Thân cây không được đầu đuôi bằng nhau mà phải là “gốc bồ ngọn chỉ nhưng phải tự nhiên như cây cổ thụ ngoài thiên nhiên thu nhỏ (5)

Đường đi của thân cây không được thẳng tuột, đơn giản, trái lại phải có sự trắc trở, khúc khuỷu, vặn xoắn, giật lắc hoặc uốn lượn điệu đà đẹp mắt nhưng phải phù hợp với thế cây (10)

Thân cây không được nhẵn thín mà phải đầy vẻ cổ thụ và thể hiện sự trải trong cuộc đời: Sần sùi, u bướu, mấu, nguyệt, hang hốc, lũa, vỏ bong tróc, bạc màu phong sương hay rễ phụ đã bám đầy quanh thân chính (5).

4. Ngọn, cành, nhánh, dăm, lá: (20 điểm)

a) Cây tạo hình bông tán lối mới: Hệ thống ngọn, cành, nhánh, dăm phải hợp lý và hài hòa về độ to nhỏ và khoảng cách (3). Tay cành còn có thể hóa giải được chỗ xấu (nếu có) và phơi bày được chỗ đẹp của thân cây. Cành vươn, cành phóng, cành buông ngoạn mục (3). Đoạn cổ ngọn không được thẳng tuột chọc lên trời mà phải lắc giật, vặn xoắn điệu đà và có xu thế hướng về gốc rễ (4). Đường nét của cành, nhánh được chuyển giật dích dắc, kỳ dị, sắc, bay muôn vẻ, giàu tính nghệ thuật (3). Cấu trúc hệ thống bông tán phải ấm cúng mà không um tùm bức bối, khoáng đạt mà không khuyết trống, hở lạnh. Hệ thống bông tạo hình tản vẫn phải rành mạch, thơ mộng (4). Lá phải được thu nhỏ, đanh cằn thể hiện sự khắc khổ nhưng vẫn xanh tươi đầy sức sống. Nếu còn có lộc biếc hứa hẹn rực sáng tương lai thì càng có giá trị (3).

b) Cây tạo hình bông tán lối cổ: Nếu tạo hình bông tán lối cổ thì các bông tán phải song song với nhau và song song với mặt chậu, không vênh váo, nghiêng ngả, lệch lạc. Bông ngọn phải đúng trung tâm hệ thống bông tán (15). Nhìn tổng thể phải cân đối, hài hòa, gây ấn tượng trật tự, kỷ cương, nề nếp, thiêng liêng. (5)

5. Giá trị nhân văn của tác phẩm: (20 điểm)

Cây có tên thế tức là chủ đề tư tưởng của tác phẩm nhưng nghệ thuật biểu đạt chủ đề tức giá trị nhân văn của cây phải rõ, không có lỗi, không áp đặt một cách vô lý (15). Đồng thời chủ đề tư tưởng phải hay, đó là nhân cách đạo đức, ước vọng cao đẹp muôn đời của người Việt Nam hay lịch sử hào hùng, non sông gấm vóc của tổ quốc (5).

6. Thưởng nghệ thuật trình bày, phối cảnh (5 điểm):

Vị trí trồng cây trong chậu phải “đắc địa” (0,5). Bồn (chậu, ang, bể, khay), giá đỡ đẹp, phù hợp với dáng thế, tôn thêm giá trị nghệ thuật của cây (1). Bề mặt đất hoặc đá trong bồn cây có rêu xanh thẩm mỹ (0,5). Các phụ kiện như: tượng, tháp, cầu, quán, đá cảnh … đặt vào phải là của Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là phụ kiện phải phù hợp với chủ đề tư tưởng của tác phẩm, tôn thêm giá trị nhân văn cho tác phẩm (1). Các phụ kiện đặt vào còn phải hài hòa về tỉ lệ và đạt nghệ thuật phối cảnh của tác phẩm (1). Nếu cây có hoa, quả nữa thì càng đáng thưởng (1)

C/ Xếp loại: Tổng số điểm đạt:

– Huy chương vàng: Từ 90 điểm trở lên

– Huy chương bạc: Từ 80 đến 89 điểm

– Huy chương đồng: Từ 70 đến 79 điểm

– Giải khuyến khích: Từ 60 đến 69 điểm

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…