ĐÁ VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT

03/03/2023 217 lượt xem

(Bài phát biểu trong buổi lễ khai mạc “Cuộc triển lãm đá cảnh và đá phong thủy Việt Nam” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 26/4/2015)

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Á Đông đã có truyền thống chơi đá từ lâu đời. Bởi vì ngoài những hình tượng kỳ lạ và các vẻ đẹp bề ngoài, đá còn có cốt cách uẩn tàng cái khí tiết con người. Con người kết bạn với đá, hai tâm hồn thề nhập vào nhau. Con người từ ngàn xưa đã coi đá là bậc thầy, bậc anh để hướng theo. Đá là sự lặng thinh triết học tột đỉnh. Đá là sự bền vững vô biên. Đá là tính cách của đại trượng phu bất khuất, bất chấp thời tiết, khí hậu khắc nghiệt đương đầu dầu dãi phong sương, ngàn năm “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Những bậc danh họa xưa vẽ tiểu cảnh “Thạch Trúc” gồm đá (anh hùng), trúc (quân tử) thường có lời đề “Hư tâm hữu thạch”. Nghĩa là người có tâm trong sáng, không chút mờ ám mới làm bạn được với đá. Xưa ở Trung Quốc có Mễ Phí, nhà văn lớn, nhà danh họa đã có lần vận lễ phục chỉnh tề đến lạy một phiến đá và gọi bằng ông Nhạc (Nhạc là núi cao). Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 8 (1897) tại Huế, nhà chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu đã liên tưởng tới sự tích trên mà viết bài “Bái Thạch vi huynh” (Lạy đá làm anh) bằng chữ Hán tặng Nguyễn Phượng Hiền. Từ đó hai người cảm phục nhau về văn chương, quý trọng nhau về khí phách đã trở thành đồng chí hoạt động cách mạng. Bài phú lấy các vần “Thạch bất năng ngôn, tín khả nhân” (Đá khi biết nói, tin chắc là người tài giỏi). Nội dung nói lên cốt cách đá nhiều vẻ, có thể coi là một áng văn kỳ tuyệt về đá của Việt Nam, cũng là cốt cách của hai nhà chí sỹ cách mạng. Cử nhân Hán học Ngô Lập Thi đã dịch, xin được trích dẫn:

“Vì rằng đá là một bậc chọc trời cao ngất, là bậc thái thượng vô tư, là đại trượng phu bất khuất.

Chống trời làm trụ, nêu cao muôn thủa cương thường. Ném đất thành âm vang dội lưỡng gian văn bút.

Thấy rồi! Gặp rồi! Anh đó chứ ai!

Kính thay! Kính thay! Lạy ôi cảm bất!

Nay có một người dọc ngang trời đất, ngạo nghễ bụi trần, rửa bụng bằng tám, chín đầm Vân Mộng, làm nhà ở muôn hang bóng tùng quân… Ba sinh lấp bể những ghi lòng, giúp công nhờ bác.

Một tấm vá trời thêm gắng sức, may gặp người thân.

Em xin chỉnh mũ áo lạy tạ, mong sao bốn bể đều xuân”.

Đá là vật cảnh đứng đầu về sự biểu đạt khí phách người anh hùng cao cả, chính tâm. Hiện Hà Nội là đế đô đá cảnh, Việt Nam là vương quốc đá cảnh của Thế giới. Người Việt Nam chơi vật cảnh đá theo bốn hình thức nghệ thuật cơ bản là non bộ, đá cảnh, đá mỹ nghệ và đá phong thủy.

Non bộ là hình ảnh thu nhỏ non sông đất nước về khuôn viên nhà mình. Non bộ là một tác phẩm nghệ thuật phải được người nghệ sỹ sinh vật cảnh thổi hồn gây được ấn tượng bao la, hùng vỹ và thơ mộng của sông núi Việt Nam. Đồng thời có sự gửi gắm tư tưởng, tình cảm, hoài bão của chủ nhân. Mặt khác cần tránh năm điều kiêng kị trong truyền thống chơi non bộ của người Việt Nam là thông tâm, lộ mục, tiêm đầu, dị chủng và triệt lộ. Thông tâm tức giữa quả núi lòng thông từ bên này sang bên kia ám chỉ một nhà rỗng tuếch hay một người rỗng tuếch. Lộ mục tức thân núi có hai hốc tròn, sâu, đen ngòm như đôi mắt yêu quái luôn nhòm vào nhà mình. Tiêm đầu tức các ngọn núi nhọn như giáo mác chọc lên trời là phạm tội bất kính đồng thời nom độc ác và hiếu chiến. Dị chủng tức một tiểu cảnh non bộ ghép nhiều chủng loại đá khác nhau, cũng như trong một gia đình lại có con của nhiều dòng giống khác nhau lẫn lộn thì khốn nạn. Triệt lộ tức mất đường đi. Tiểu cảnh non bộ thơ mộng như chốn đào nguyên, sa vào tưởng như lạc, nhưng không, vẫn có lối đi, gặp sông suối thì có cầu, vướng đá vướng cây thì đã mở đường khác để ta tiến bước. Đó là đạo chơi non bộ của người Việt Nam.

Ít ai biết Bác Hồ của chúng ta yêu nghệ thuật non bộ và đã từng tạo dựng non bộ như thế nào. Đầu năm 1941, Bác về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ö trong hang Pắc – Pó Cao Bằng giữa cảnh non xanh nước biếc hùng vĩ, Bác đã chọn hai cảnh vật để đặt tên núi Các-Mác, suối Lê Nin mang ý nghĩa chủ nghĩa Mác-Lênin vĩ đại là đường lối của cách mạng Việt Nam. Sau đó do yêu cầu bảo mật, Bác đã rời sang Khuổi Nậm cách Pắc-Pó một cánh rừng. Cửa rừng Khuổi Nậm có hai cây mang mạ và mác phóng. Đặc biệt là cây mang mạ có một cành do thiên tạo kỳ dị rủ xuống treo lơ lửng trên mặt suối. Bác đã cho dựng lán có cửa nằm lọt giữa hai cây đó. Bác thường kết dây rừng thành võng giữa hai cây để nằm nghỉ ngơi ngắm cảnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Cạnh lán Khuổi Nậm, chỗ khe nước có một trảng cát nhỏ, Bác đã đào một cái hồ con rồi chọn nhũ đá dựng non bộ có đủ hang động, đèo, khe, yên ngựa, vách đá treo leo được ký rêu xanh, cây cỏ rất hài hòa. Bác còn lấy cây sậy kết chiếc cầu nhỏ có tay vịn bắc từ bờ hồ sang chân núi. Một chú cò lửa tí hon tạc bằng đá đang vươn cổ xuống hồ như rình bắt tép. Một chiếc thuyền gỗ bé xíu do chính tay Bác gọt trôi bập bềnh trên mặt hồ. Quanh hồ, Bác trồng cỏ và cây lùn cỗi hệt như vườn cảnh truyền thống của người Việt Nam. Thực là một cảnh hữu tình như chốn đào nguyên. Đúng như châm ngôn cổ: “Sơn trùng, thủy phục, nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (Núi tiếp núi, nước tiếp nước điệp trùng, lững lờ, lạc vào tưởng như không có lối ra. Nhờ ánh sáng tỏa ra từ bông hoa dưới bóng liễu, ta bỗng thấy một lối đi duy nhất tới một xóm vắng).

Đá cảnh là những tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ sỹ là thiên nhiên tạo tác hàng triệu năm để trở thành kỳ thạch ban tặng cho con người, gồm sáu tiêu chí là thể, hình, vân, sắc, ánh, chất. Thể tức là loại đá được hình thành theo từng thời gian của lịch sử địa chất trái đát. Hình tức là hình thù viên đá hoặc hình nổi trên mặt viên đá đã tái hiện được một vật thể hoặc một sinh thể nào đó từng có trong trời đất và xã hội muôn đời. Hình còn có thể là một sinh vật thật hóa thạch. Vân là những đường nét sắc sảo, mạch lạc, mô tả hoặc gợi tả một cảnh vật như có bàn tay họa sĩ thiên tài tô vẽ. Ánh là sự phản chiếu ánh sáng óng ánh, tươi sáng, rực rỡ, huy hoàng hay huyền ảo, êm dịu. Sắc tức mầu sắc, nhiều màu, nhiều vẻ đẹp đến kỳ lạ. Còn chất là độ rắn của đá, độ rắn càng cao thì tác phẩm càng có giá trị. Tất cả là thiên tạo. Con người chỉ sưu tầm, phát hiện nghệ thuật, lựa chọn cách đặt tác phẩm sao cho đúng với ý tưởng của trời.

Đá mỹ nghệ là những sản phẩm bằng đá quý hoặc bán quý được đôi bàn tay vàng của các nghệ nhân chế tác và thổi hồn dùng làm đồ trang sức hoặc để trang trí, thờ phụng.

Còn đá phong thủy nhân dân ta có ba cách sử dụng. Thuở xa xưa người Việt có tục thờ đá và nuôi đá. Rồi đến dùng đá để trấn trạch tức đặt đá đúng vị trí cần thiết nơi ngoại thất hoặc nội thất để hóa giải những điểm hung dữ của đất ở hoặc nhà ở, đem lại sự cát lành cho chủ nhân. Phổ biến nhất là dùng đá quý làm đồ trang sức để kỵ gió độc và luôn đem lại sức khỏe cho con người.

Tóm lại, làm bạn với đá, con người sẽ hướng tới chân, thiện, mỹ và hưởng thụ những niềm vui vô tận, có khi còn bất ngờ nữa về những giá trị phong thủy của đá.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…