ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

04/03/2023 356 lượt xem

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo thành một loại hình CCNT Việt Nam độc đáo và đậm đà bản sắc, hội đủ bốn tiêu chí là: cổ, kỳ, mỹ, văn.

Thứ nhất là cây phải cổ thụ. Cây càng lâu năm càng có giá trị vì cây cổ thụ vừa đẹp ở mọi bộ phận lại vừa biểu đạt ước vọng sống lâu của muôn đời, muôn người.

Thứ hai là cây phải có những đường nét kỳ lạ, kỳ tuyệt, kỳ diệu, kỳ công khiến người thưởng ngoạn đi từ chỗ ngạc nhiên đến chỗ thích thú. Cũng nên nhớ là ông cha ta dùng chữ kỳ chứ không dùng chữ quái như một số bạn chơi cây ngày nay. Bởi tạo hình thù quái dị, quái gở, quái vật, quái thai là không đúng với nội hàm nghệ thuật cây cảnh. Nghệ thuật cây cảnh là tái hiện cái thần thái của thế giới tự nhiên nhưng phải đẹp hơn tự nhiên chứ không được tạo dựng trái với tự nhiên của trời đất.

Thứ ba là phải mỹ, tức là đẹp. Từ gốc rễ, rễ phụ đến thân, cành, nhánh, dăm, bông tán, lá, lộc, hoa, quả đều phải bắt mắt, không được có chi tiết nào phản cảm mà ta thường gọi là phạm lỗi. Rồi kể cả đôn, chậu hay phụ kiện đặt vào cũng phải đẹp một cách hài hòa và phù hợp với thế dáng cây.

Thứ tư là văn, tức là nội dung nhân văn của tác phẩm. Đó là chủ đề tư tưởng, là bức thông điệp mà tác giả ký thác, gửi gấm vào tác phẩm của mình. Nói cụ thể hơn đó là thiên luân thế giáo, là đạo đức vĩnh cửu, là nhân cách cao đẹp, là ước vọng cao xa, là truyền thống của gia đình, truyền thống của dân tộc. Có người nói không cần chữ văn vì chữ mỹ là bao hàm cả giá trị tư tưởng rồi. Người nói thế là do không tìm hiểu chữ Hán. Mỹ chữ Hán chỉ có nghĩa là đẹp về hình thức bề ngoài, thí dụ ta nói mỹ nữ, mỹ nhân kế. Rõ ràng chữ mỹ chỉ là sắc đẹp bề ngoài của người con gái thôi. Gốc Hán ngữ chữ văn mới là cái đẹp về nội dung. Vả lại có tiêu chí văn mới là cách chơi của Việt Nam. Việt Nam có cách chơi rất sâu, thể hiện chiết lý nhân văn của thú thưởng cây, thưởng hoa của dân tộc ta. Nếu bon sai mô phỏng cái đẹp của thiên nhiên là chủ yếu thì CCNT Việt Nam mượn cái đẹp của thiên nhiên để mô phỏng ý tưởng của con người là chủ yếu. Cách ta trên 200 năm, Phạm Đình Hổ đã khẳng định trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút” rằng: “Người xưa thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, cho nên đã mượn cái cây, tảng đá mà ký thác cao hoài”. Cho nên chỉ Việt Nam mới có loại hình cây thế. Ông cha ta đã tạo hình tượng cây để biểu tượng cho con người mình. Thí dụ cây sanh được giải vàng của ông Nguyễn Gia Hiền là một cây thế cổ, tên thế là “Huynh đệ tương cố”. Chủ đề tư tưởng là anh em sống có nhau. Tác giả tạo hình 2 cây có chung một gốc. Cây anh chỉ cao hơn cây em một cái đầu chứ không được cao hơn nhiều. Ý nghĩa là anh không bỏ rơi em và em luôn có ý chí vươn lên theo anh. Các chi không tranh giành lấn át nhau mà luôn nhường nhịn nhau. Nhìn tổng thể hai cây đẹp một cách hài hòa, ấm cúng, không khuyết trống hở lạnh cũng không um tùm bức bối. Còn cây phi lao “Mảnh đời còn lại” nguyên của Hội CCNT Hà Nội là một cây thế mới. Tác giả tạo hình từ một cây phi lao chỉ còn lại một mảnh gỗ sống sót, nom màu gỗ như đã chết khô. Thế mà từ mảnh gỗ ấy vẫn nở ngành, sinh ngọn cân đối, hài hòa, tươi đẹp đến kỳ lạ. Giá trị tư tưởng của cây thế này quá lớn. Đó là biểu tượng của hàng chục triệu con người Việt Nam đương đại sau 30 năm chiến tranh vệ quốc là thương binh hay tai nạn chiến tranh nhưng vẫn đang tiếp tục cống hiến phần sống còn lại cho đời. Phẩm chất của con người Việt Nam thật là cao đẹp biết nhường nào. Vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen thương binh ta “Tàn nhưng không phế”.

Bốn tiêu chí: cổ, kỳ, mỹ, văn phải được thể hiện rất rõ ràng và cụ thể qua hình tượng tổng thể của tác phẩm và qua các chi tiết ở các bộ phận của một CCNT.

Suy nghĩ như trên nên chúng tôi rất tâm đắc với nội dung hai bài viết “Tạo hình CCNT hiện đại phải đậm đà bản sắc dân tộc” và “Tiêu chí đánh giá một CCNT” đăng trên những trang đầu của tạp chí Việt Nam Hương Sắc sốtháng 7 năm 2015.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

LỜI TỰ SỰ CỦA ÔNG LÊ QUANG KHANG

Tôi là Lê Quang Khang 94 tuổi, phần lớn thời gian tôi giành cho việc xem tivi. Truyền thống chơi sinh vật cảnh của dân…