GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC – CỦA MỘT CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT

04/03/2023 429 lượt xem

Bonsai của thế giới có từ thời nhà Tần ở Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, rồi sang Nhật Bản đã hàng nghìn năm nay. Trong thời gian ấy, người Nhật đã đưa nghệ thuật cây lùn lên đến mức hoàn thiện nên Nhật Bản được xem là xứ sở của Bonsai. Ngày nay Bonsai đã phổ cập ở nhiều nước trên thế giới, mọi người xem nó như là một nghệ thuật và là một thú chơi tiêu khiển. Việt Nam có lối chơi nghệ thuật cây cảnh truyền thống là cây thế cổ ở miền Bắc qua nhiều đời và kiểng cổ Nam Bộ nguồn gốc từ cây thế, có từ thời nhà Nguyễn. Bonsai của thế giới và cây thế của Việt nam tuy có những nét đặc thù khác nhau nhưng cùng một bộ môn nghệ thuật cây cảnh đã ổn định về bản chất.

Dù ở Việt Nam hay thế giới, dù xưa hay nay, bản chất của nghệ thuật cây cảnh cũng là nghệ thuật thu nhỏ cây cổ thụ ngoài thiên nhiên vào trong chậu. Về tầm cỡ thu nhỏ được giới hạn từ 20 con đến trên 1 mét. Người ta tạm chia tương đối làm ba loại và quy ước cho dễ nhận biết: loại tiểu còn gọi là mini bê được một tay, loại trung phải bê cả hai tay, loại đại phải khênh 4 tay (2 người) kể cả cây và chậu. Nguyên nhân sâu xa là loài người vốn yêu cuộc sống hoà đồng với thiên nhiên, muốn đưa thiên nhiên về ở gần gũi với con người nhưng không gian nơi ở thì có hạn mà thiên nhiên thì bao la. Vì vậy trong đời sống xã hội mới này sinh ra môn nghệ thuật thu nhỏ cây cổ thụ, thu nhỏ thiên nhiên về bên mình để thưởng ngoạn.

Để có được một tác phẩm nghệ thuật sống tức là một cây cảnh nghệ thuật đích thực, người ta phải bắt đầu từ một cây phôi nhỏ, rồi trải quả cả một quá trình lao động kết hợp kỳ diệu giữa kỹ thuật nuôi trồng và nghệ thuật tạo hình. Có khi hàng chục năm, hàng trăm năm, cả một đời người, thậm chí nhiều đời kế tiếp vận dụng những thủ pháp thu nhỏ, những kỹ thuật cắt tỉa đặc thù của nghệ thuật cây cảnh, gia công tinh xảo, bố cục thanh thoát, chế tác tài hoa mới sáng tạo được một chậu cảnh độc đáo tái hiện được cái thần của thế giới tự nhiên đẹp mẻ hồn làm ngơ ngẩn người thưởng ngoạn. Trong cái gang tấc mà chứa đựng cái xa xăm, trong cái thấp bé mà có dáng hồn của cây cao bóng cả. Rồi những đường nét những dáng hình trầm lặng, sâu sắc của những cây cảnh nghệ thuật trong khuôn viên nhà mình mà gợi tả và gây ấn tượng về biết bao nhiêu hiện tượng thiên nhiên và hiện tượng xã hội, ta liên tưởng, ta suy ngẫm, ta hướng tới chân thiện mỹ và ta hưởng thụ những niềm vui vô tận. Rõ ràng cây cảnh nghệ thuật là loại cây thu nhỏ cây ngoài thiên nhiên nhưng đẹp hơn thiên nhiên.

Ngoài loại hình cây cảnh nghệ thuật, những nhà lầu toạ lạc trên khuôn viên rộng, trong sân cảnh, vườn cảnh còn có những cây to lớn, cao hàng chục mét, có thể cũng có sự cắt xén nhất định và xây viền bồn nhưng trồng cố định xuống đất. Đấy là loại hình cây cảnh tự nhiên trồng phối hợp với cây cảnh nghệ thuật và nhiều vật thể khác để tạo cảnh quan và môi sinh cho khu nhà. Mô hình vườn cảnh của người ta thường là như vậy.

Nhưng gần đây riêng ở nước ta có hiện tượng xưa nay chưa từng thấy ở đâu là đào những cây cổ thụ ngoài thiên nhiên về không phải để tái trồng mà của cắt lùn đi rồi trồng vào trong chậu để sửa làm cây cảnh nghệ thuật, muốn di chuyển phải dùng cần cẩu và xe tải hạng nặng. Có thể nói đây đang là một mối chơi cây cảnh nghệ thuật ở nước ta. Chưa nói về tội phá huỷ môi trường mà ở đây chỉ bàn về nghệ thuật cây cảnh. Những cây ấy không còn là cây cảnh tự nhiên nữa và cũng chẳng bao giờ có thể là cây cảnh nghệ thuật được, trừ khi có phép mầu nhào nặn lại từ đầu mới xoá được những vết cắt chuyền chuyển nhịp như tự nhiên, mới uốn nắn đực thân cành cho có nghệ thuật. Thảng hoặc có cây dược thiên nhiên ban cho một vài đường nét kỳ lạ một chút thôi chứ vẫn không thể tạo được thành một cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện. Vẫn biết khai thác cây ngoài thiên nhiên cũng là một nguồn nguyên liệu để chế tác cây cảnh nghệ thuật, ta cũng có làm như vậy và người Nhật cũng có làm như vậy. Nhưng đấy là những cây phối có một số yếu tố “bào thai” của một cây cảnh nghệ thuật và vừa tầm cỡ thôi chứ không phải là những cây cổ thụ đồ sộ. Rất mong được chúng ta xem xét lại cái xu thế ấy hiện nay.

Vậy giá trị đích thực của một cây cảnh là đẳng cấp nghệ thuật của nó chứ không phải là ở kích cỡ to nhỏ và không nên có loại cây trang trí chẳng phải cây cảnh tự nhiên cũng chẳng phải cây cảnh nghệ thuật mà những người sành chơi rất khó chấp nhận.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…