HIỂU TÓM LƯỢC – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT

04/03/2023 620 lượt xem

 

Cây cảnh nghệ thuật (CCNT) là thành phẩm của bộ môn nghệ thuật cây cảnh đã hình thành và phát triển hàng nghìn năm nay. Bộ môn nghệ thuật cây cảnh thuộc ngành nghệ thuật tạo hình mà chất liệu tạo hình là cây thân mộc. Như vậy một CCNT đích thực phải là một tác phẩm nghệ thuật sống. Đúng quy trình sáng tạo là người nghệ sỹ phải bắt đầu từ một cây phôi nhỏ. Rồi trải qua cả một quá trình lao động kết hợp kỳ diệu giữa kỹ thuật nuôi trồng và nghệ thuật tạo hình. Có khi hàng chục năm, hàng trăm năm, cả một đời người, thậm chí nhiều đời nối tiếp vận dụng những thủ pháp thu nhỏ, những kỹ thuật cắt tỉa đặc thù của nghệ thuật cây cảnh, gia công tinh xảo, bố cục thanh thoát, chế tác tài hoa, thổi hồn cho cây mới sáng tạo được một chậu cảnh độc đáo, tái hiện được cái thần của thế giới tự nhiên, đẹp mê hồn làm ngơ ngẩn người thưởng ngoạn. Trong cái gang tấc mà chứa đựng cái xa xăm, trong cái thấp bé mà có dáng hồn của cây cao bóng cả. Rồi những đường nét, những dáng hình trầm lặng, sâu sắc của những CCNT trong khuôn viên nhà mình mà gợi tả và gây ấn tượng về biết bao nhiêu hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội. Ta liên tưởng, ta suy ngẫm, ta hướng tới chân thiện mỹ của cuộc đời và ta hưởng thụ những niềm vui vô tận. Một CCNT hoàn thiện phải tự nhiên như trời tạo dựng, không có hình thù nào và không còn một dấu vết nào của bàn tay con người can thiệp trong quá trình tạo hình.

CCNT gồm hai loại chính là bon sai của thế giới và cây thế của Việt Nam. Bon sai mô phỏng cái đẹp của thiên nhiên là chủ yếu cần có hai tiêu chí cơ bản là kỳ, mỹ. Còn cây thế Việt Nam là mượn cái đẹp của thiên nhiên để mô phỏng ý tưởng của con người là chủ yếu nên phải đủ bốn tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn.

Bon sai có từ thời nhà Tần ở Trung Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Họ gọi tên là bồn tài. Bồn là chậu, tài là trồng cây. Nghĩa đen là trồng cây trong chậu. Nghĩa của thuật ngữ chuyên ngành là kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình và thu nhỏ cây cổ thụ ngoài thiên nhiên vào trong chậu. Cách nay khoảng một nghìn năm, nghệ thuật bồn tài lan sang Nhật Bản. Người Nhật đã phát âm trệch đi thành bon sai. Chính tại Nhật Bản nghệ thuật bon sai được hoàn thiện và nâng lên đỉnh cao. Nhiều tác phẩm bon sai kỳ mỹ hút hồn nhân loại. Rồi từ Nhật Bản, bon sai được lan sang nhiều nước trên thế giới nên đâu cũng gọi là bon sai. Bon sai là nghệ thuật tạo hình cây cảnh như đã nói trên chứ không phải chỉ là thu nhỏ cây vào trong chậu. Những cây dừa, cây vạn tuế, cây quất, cụm tre, khóm hoa hồng… thu nhỏ trong chậu không phải bon sai mà vẫn là cây cảnh tự nhiên. Còn nếu cây cảnh tự nhiên phối hợp với các vật thể khác, có chủ thể và khách thể theo nghệ thuật sắp đặt thì đó là tiểu cảnh thụ mộc thu nhỏ và tái hiện cái thần của một góc không gian nào đó.

Cây thế là một trường phái chơi CCNT của riêng Việt Nam ra đời và phát triển hàng nghìn năm nay. Chữ thế trong cây thế là một thuật ngữ chuyên ngành ông cha ta xưa đã đặt tên cho loại hình CCNT của mình. Xưa nay rất ít người hiểu biết đúng ký tự và đúng nghĩa của chữ thế ấy mà các nhà túc nho có ý tưởng cao sâu đã chọn. Cả chữ Việt và chữ Hán tổng số ta vẫn dùng 13 chữ thế. Các cụ ta xưa đã chọn một chữ thế gốc Hán để đặt tên cho cây cảnh của mình. Đó là chữ thế gồm ba chữ ghép lại. Phía trên bên trái là chữ hạnh (hạnh phúc), bên phải là chữ hoàn (trọn vẹn), bên dưới là chữ lực (sức mạnh). Ý nghĩa sâu sắc của chữ thế ở đây là giá trị nội lực quý báu vốn có của một con người, một gia tộc, một làng xã hay cả dân tộc Việt Nam mà thế cây biểu hiện. Như vậy tác giả làm cây thế trước hết phải hình thành ý tưởng rồi tạo hình cho mỗi thế cây một hình tượng riêng biểu trưng đúng tên của thế ấy. Thí dụ thế “độc trụ kình thiên” (một cột độc lập chống trời) nói lên khí phách siêu anh hùng của một con người hoặc của dân tộc Việt Nam; thế “bạch ốc xuất công khanh” (nhà nghèo sinh ra con là công hầu khanh tướng); thế “huynh đệ tương cố” (tình cảm anh em sống có nhau); thế “quân tử chính trực” (người quân tử sống trong sáng ngay thẳng) là mấy thế cổ. Thế hiện đại như “mảnh đời còn lại” nói lên triết lý sống đẹp tàn nhưng không phế, tuổi cao gương sáng…

Việt Nam ta còn có lối chơi truyền thống là dưới gốc cây thế đặt một vài vật thể nhằm phụ họa cho chủ đề tư tưởng của thế cây ấy. Nhưng phải hài hòa về tỷ lệ và không làm loãng chủ đề của cây. Đây vẫn là tác phẩm CCNT chứ không phải tiểu cảnh thụ mộc. Nghệ thuật tạo hình cây thế của ta là phải chuẩn chỉ và đẹp từ mọi chi tiết đến hình tượng tổng thể. Khác với bon sai là trọng tổng thể nhẹ chi tiết. Cách tạo hình bông tán cây thế cũng của riêng Việt Nam. Bông tán lối cổ là mỗi cảnh tạo thành một tán tròn như mâm xôi nằm ngang song song với nhau và song song với mặt chậu. Bông ngọn tạo hình búp sen và gọi là quả phúc ở chính giữa. Nhìn tổng thể đẹp cân đối hải hòa, gây ấn tượng trật tự, kỷ cương, nền nếp, trang nghiêm. Cây tạo hình bông tán cách tân có cảnh buông, cảnh vươn, cành phóng, các nhánh tách rời tạo thành hệ thống tản vẫn rành mạch hài hòa toát lên vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng.

Dòng cây thế của ta có ba loại: khoảng 150 thế cổ của ông cha ta đã sáng tạo và để lại cộng với các thế mới tuy chưa nhiều và kiểng cổ Nam Bộ ra đời thời nhà Nguyễn là con đẻ của cây thế cổ. Cây thế là tác phẩm của nghệ thuật tạo hình cây cảnh như phần đầu đã nói. Cho nên các hướng vươn của cây đối chiếu với mặt đất trực, xiêu, hoành, huyền nhiều người cũng gọi thế, vẫn biết đấy là chữ thế khác, về từ vựng dùng không sai nhưng lại đồng âm với thuật ngữ “thế” cây là không được. Nên các cụ xưa đã dùng thuật ngữ “dáng” là rất hay. Các nước khác không có cây thế như ta. Có người dịch sách bon sai của nước ngoài cũng dùng chữ thế như “thế thác đổ, thế ba cây, thế cái chổi”. Tôi nghĩ bon sai nên dùng các từ kiểu, dáng, thay cho chữ thế chuẩn hơn.

Ngoài ra, Việt Nam còn có loại hình CCNT tạo hình vật thể. Miền Bắc thường tạo hình cổng tam quan, lư hương, đôi hạt chầu, tháp chùa…Miền Nam có kiếng thú tạo hình 12 con giáp để đón các năm mới rất được ưa chuộng không những trong nước mà còn xuất sang một số nước trong khu vực. Vậy nếu tổ chức chấm thi CCNT, ban giám khảo cần chấm riêng từng loại mới khoa học.

Tóm lại, thú chơi CCNT của người Việt Nam vốn có bề dày lịch sử, bề cao nghệ thuật và bề sâu tư tưởng nhân văn, ngày nay lại phát triển bề rộng chưa từng có và không đâu có, nhưng chủ yếu là phong trào quần chúng tự phát. Do vậy, thực tiễn đang rất cần có phương hướng đúng đắn, văn sách lý luận chuyên ngành phổ cập và hệ thống trường lớp dạy nghề để góp phần phát triển nền văn hóa sinh vật cảnh Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…