HOA LAN

06/03/2023 1048 lượt xem

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được chắt lọc từ tinh hoa nhất của trời đất mà thành. Vì vậy hoa là vẻ đẹp của cuộc đời, là thú chơi tao nhã của mọi người, là tiếng nói của tình yêu, là lời chúc mừng thanh lịch nhất và còn là lễ vật hiến tế hàng đầu của mọi tín ngưỡng.

Suốt đời người từ lúc chào đời cho đến lúc qua đời và rồi cả khi đã đi vào cõi vĩnh hằng, lúc nào cũng cần hoa, yêu hoa, khát hoa. Dân tộc ta còn coi hoa là đẹp nhất nên đã ví “Người ta là hoa của đất”. Đặc biệt phái đẹp thường được so sánh với hoa: hoa khôi, hoa hậu, mặt hoa da phấn, cười tươi như hoa. Người con trai khen người con gái đẹp như hoa không cần có lý chỉ cần có tình:

“Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em liếc như dao cau

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thế hoa sen

(Ca dao)

So sánh nụ cười của em như hoa ngâu, khăn đội đầu của em như hoa sen là vô lý. Thế mà muôn đời em vẫn luôn xúc động đến xao xuyến cả cõi lòng.

Bao người đã lấy tên hoa đặt tên cho con gái: Lan, Hồng, Huệ, Nhài, Cúc, Lý, Đào… Công chúa Huy Ninh triều Trần đã được vua cha đặt tên hiệu là “Nhất Chi Mai” (một nhành mai). Người tài còn được khen là tài hoa, hoa tay, bút hoa. Nhiều vật đẹp cũng được gọi tên hoa: giường hoa, chiếu hoa, bát hoa, đèn hoa, pháo hoa, tường hoa, hoa gió, hoa văn… Hoa dung dưỡng mọi tâm hồn con người, giúp con người yêu đời, yêu thương trân trọng nhau, cùng nhau hưởng đến chân thiện mỹ và cùng thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Đời sống vật chất của xã hội ngày càng cao thì nhu cầu chơi hoa của con người ngày càng lớn.

Hoa nói chung là cao quý như vậy. Hoa lan lại còn đứng hàng đầu muôn hoa nên tự ngăn xưa đã được loài người mệnh danh là loài hoa vương giả và đã dành những từ ngữ tột cùng để nói lên sự cao quý bậc nhất của loài hoa lan: thanh lịch, kiêu sa, kiều diễm, vương giả, nữ hoảng, chúa tể, quyến rũ, nỗi ám ảnh khôn nguôi, độc đáo, đam mê, say đắm, khát vọng chơi… Theo sách “Gia ngữ” cách ta khoảng 2500 năm, đức Khổng Tử đã ca ngợi “Lan dương vương giả chỉ hương” (Lan đáng là chúa tể các hương thơm) trong trời đất. Theo điều kiện sinh trưởng của lan, ông cha ta đã chia ra thành hai loài là phong lan và địa lan (nhiều nước đặt tên theo hình lá gọi là lan kiếm). Bài viết này chỉ xin giới thiệu khái lược về phong lan để đi sâu phần sau là truyền thống chơi hoa địa lan của dân tộc ta.

* Phong lan: gọi là phong lan vì rễ phát triển trong không khí để nuôi cây sống. Nếu trồng vào đất phong lan sẽ chết. Do vẻ đẹp kiều diễm và lối sống kiêu sa, phong lan được giới chơi hoa tôn vinh là nữ hoàng trong vương quốc các loài hoa. Phong lan có ba giá trị lớn mà loài người yêu quý. Một là về chủng loại phong lan có trên 2 vạn 5 nghìn loài nên cống hiến cho con người được thưởng thức muôn hình, muôn vẻ, muôn màu, muôn sắc, muôn hương. Đội ơn đất trời hào phóng đã ban tặng cho nhân dân ta đất nước ta một giải non sông gấm vóc tam sơn tứ hải nhất phần điền. Rừng của ta rất rộng lớn, trong đó diện tích rừng nguyên sinh bao la không thiếu một chủng loại hoa lan nào, kể cả loại quý hiếm nhất thế giới là hài đỏ. Khí hậu lại nhiều ánh sáng và độ ẩm, Việt Nam là vương quốc hoa lan. Lâu nay, rừng lan của ta đang bị chảy máu. Vấn đề khẩn thiết là phải có ngay sự quản lý, khai thác và phát triển lan rừng. Hai là về những giá trị của tinh dầu triết xuất từ phong lan, những vị thuốc và đồ uống chế xuất từ phong lan. Ba là về giá trị kinh tế của phong lan là rất cao, hiện loại thấp nhất cũng từ hàng trăm nghìn đồng một giò, còn loại quý hiếm có thể tới hàng triệu đô la mỹ một giò như hài đỏ. Phong cách thưởng thức hoa lan của người Việt đã hình thành lâu đời là tổng hợp, toàn diện, gồm sáu tiêu chí: lá đẹp, bộ rễ đẹp, những dải hoa đẹp, có hương thơm, nở hoa đúng Tết Nguyên Đán và thời gian hoa đậu lâu. Loài nào đạt càng nhiều tiêu chí càng quý. Lâu nay người Việt ta yêu thích các loài như đai châu (nghinh Xuân), ngọc điểm, cattlya, hồ điệp, van đa, quế lan hương, da báo, đuôi cáo.

* Địa lan: gọi là địa lan vì rễ sống và phát triển trong đất kháng thủy. Nếu ký vào các vật thể như phong lan, địa lan sẽ chết. Ở Việt Nam, hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến độc lập tự chủ, mọi triều đại, các vua chúa đều chơi địa lan và coi địa lan là đứng đầu trong danh hoa dị thảo của “Tứ kỳ viên” (Bốn thứ kỳ tuyệt của vườn cảnh Việt Nam là mộc, thạch, ngư, cầm tức cây, đá, cá, chim) nơi cung đình. Vì vậy đã có câu tục ngữ “Vua chơi lan, quan chơi trà” và đã hình thành dòng lan cung đình truyền thống của thế giới sinh vật cảnh Việt Nam được mệnh danh là loài hoa vương giả. Đặc biệt vua Trần Anh Tông còn tạo dựng được một vườn địa lan gồm trên 500 loài đặt tên là Ngũ bách lan viên trong vườn thượng uyển bên đồi Long Đỗ (Nay là vườn Bách Thảo – Hà Nội). Nhà vua đã lập ra các chức như tầm lan quan, nhiệm vụ tìm tòi sưu tập các loài lan quý hiếm, nữ giám lan chuyên chăm sóc lan, các bà đã thu gom nước rửa mặt của các cung tần mỹ nữ và của những người phụ nữ đẹp trong vùng về lau rửa lá lan để lan ra hoa cho hương thơm thêm quyến rũ. Xưa chỉ có các hoàng thân quốc thích và giới trí thức thượng lưu mới biết chơi và được chơi. Các cụ ta thường nói: “Thức giả thị bảo; bất thức giả thị thảo”, nghĩa là người biết thì coi lan như báu vật, người không biết thì coi lan chỉ là loài cây cỏ. Nhưng chúng ta hôm nay thật là may mắn, ước mơ nhiều đời của người bình dân “Bao giờ cho đến tháng mười – Hoa vương giả đến với người bình dân” đã trở thành hiện thực. Giờ đây chơi lan đã trở thành một phong trào khá rộng rãi. Người chơi lan trước hết phải biết nuôi lan. Nuôi lan vô cùng công phu cầu kỳ, cao hơn kỹ thuật, phải nói là nghệ thuật nuôi lan mới đúng. Vì người và lan bên nhau thấm đẫm hồn cây và hồn người, quan hệ tương sinh, tương ứng, tương liên, đồng hóa, đồng khí, đồng cảm. Nói như cố nhà thơ Trần Lê Văn là rất đúng

“Những khóm lan mang tên người đẹp

Tổ tâm, bạch ngọc, mặc lan nương

Nước rửa mặt lau từng chiếc lá

Người với cây yêu nhau lạ thường”

(Vườn cảnh của cha tôi)

Biết nuôi lan đã khó, biết thưởng lan còn khó hơn nhiều. Phải thực sự là người có tâm hồn, giàu tri thức, nhạy cảm và có tâm trong sáng mới thưởng thức được cả bốn mặt kỳ diệu của địa lan là diện hương, diện sắc, diện thế và diện vận:

* Diện hương: Biết thưởng lãm hương thơm của lan.

Hương lan thầm kín thoảng nhẹ và mỏng tang, khi gần, khi xa, khi đậm đà, lúc tinh không, bịn rịn, vừa tiết kiệm, vừa hào phóng. Nhịp thở của lan không tuân theo một quy luật nào. Có lúc bỗng dưng hương lan phát xạ không quá mấy giây nhưng lan tỏa rất rộng rồi lại bỗng dưng hụt hẫng. Sau giây phút hoặc lâu hơn lại đường đột dâng tặng người kiên nhẫn đang đợi chờ thưởng lãm, khiến người say mê khám phá thấy mình như đang du đãng trong mê cung mà ở đó có giai nhân tuyệt mỹ, vừa như mời mọc ta vừa như chạy trốn khỏi ta. Nhưng hương lan vẫn cứ ngập tràn dung dưỡng tâm hồn ta. Cái huyền bí ấy làm nên ma lực như đùa giỡn với người không bao giờ đã khát hương lan. Người sành còn có thể phân biệt được hương của từng loại lan trên cùng một kênh. Hương lan hào phóng hậu đãi khách lịch lãm, thanh cao, chối từ kẻ phàm phu tục tử dù cho họ có vít ngồng hoa dí sát mũi vào mà hít mãi.

* Diện sắc: Biết thưởng lãm mặt sắc đẹp của lá và hoa lan

Người xưa đã tổng kết: “Quan hoa nhất thời, quan diệp kinh niên” nghĩa là xem hoa chỉ có một thời gian còn xem lá mới là quanh năm. Nuôi lan nếu biết chăm sóc đúng kỹ thuật: chất trồng, ánh sáng, độ ẩm, thông thoáng, không để đói khát cũng không bồi quá no úng và không để rệp bệnh thì quanh năm lá lan có màu xanh thẫm, biêng biếc, lóng lánh, mỡ màng, bóng mượt có thể soi thấy gương mặt mình trong từng chiếc lá. Không lá nào bị vết đốm nâu hoặc cháy đầu lá. Bộ lá như vậy biểu hiện sự sung mãn để làm đòng, trổ hoa và tạo hương. Nhìn những bộ lá lan đẹp lòng ta vui phấn chấn, thấy sức khỏe thêm và hy vọng đón mùa hoa mãn nguyện.

Sắc hoa lan vô cùng phong phú, mỗi màu là biểu tượng của một tình cảm, ước mơ, nhân cách, lẽ sống… gợi cho ta một cảm xúc.

Màu trắng trong: thanh khiết, trang nhã, cao quý.

Màu hồng, màu đỏ: dịu dàng, thanh cao, duyên dáng.

Màu lục: thanh tân, tao nhã, sống động.

Màu tía: yêu kiều, đằm thắm, dịu dàng, chân thành.

Màu tím: thanh cao đằm thắm, mộng mơ, chung thủy.

Màu vàng: trong sáng, thần bí, kiêu sa.

Màu đồng đỏ: huy hoàng, hào hoa.

Màu đen: tráng lệ, uy nghiêm, thần bí.

Đa màu: sặc sỡ, phồn vinh, hoa lệ.

Ở Việt Nam ta, xưa nay thường tôn thờ ba màu, cho là quyến rũ nhất: màu trắng xanh và trong của thanh ngọc; màu rực rỡ vàng rất cao sang, hoàng tộc của hoàng vũ, đại hoàng, ngọc bảo, kim bào, hoàng điểm; màu đen nâu thâm u, huyền bí, trang nghiêm của đại mặc, mặc biên, huyền lan. hoa.

* Diện thế: Thưởng lãm cái thần vươn tỏa của lá, thẳng tắp, hiên ngang của các ngồng hoa.

Lá lan hình kiếm sắc, khẽ vặn mình theo một làn và cong cong như lông mày thanh tú của thiếu nữ, mềm mại vươn tỏa đều trên chậu, e ấp những giò lan. Gặp gió bộ lá nhẹ nhàng lay động, uyển chuyển, biến hóa, vừa như thủ vừa như công, lúc nghinh phong, khu uống nắng khêu gợi sự hùng vĩ, trường sinh trong trời đất.

Hàng loạt ngồng hoa mập mạp, không bấu tựa vào đâu mà vẫn thẳng tắp lao lên trời, vút cao, lung linh, sống động, phóng túng. Đặc biệt lạ lùng là những ngồng hoàng vũ kiêu sa, kiên nhẫn xoay mình cùng vũ trụ, qua một ngày đêm lại quay về điểm cũ kịp đón bình minh. Những nụ hoa như những ngọn bút phóng nghiêng nghiêng. Quá trình hoa nở thật nhiều vẻ đẹp, từ ngậm sương rồi hàm tiếu, hàng mi của hoa cương lên, nứt dần, khe khẽ cong cho đến độ mãn khai thì những cánh hoa được thiên nhiên phân bổ thật tài tình hợp lý như các vũ nữ biến hóa trong sắc áo thanh lịch. Thưởng hoa lòng ta trở nên thanh thản, quên đi những nỗi lo toan thường nhật.

* Diện vận: Thưởng lãm được cái ý nhị của lan.

Cái đẹp hoàn hảo của ba mặt hương, sắc, thế cộng với tâm hồn nhạy cảm và tâm trong càng của khách sành diệu cảm ứng qua lại thăng hoa. Khách bị ra dẫn vào cõi mơ màng. Nhắm mắt lại, khách thấy được cả những cái tuyệt mĩ vô hình của lan. Rồi hương lan thanh khiết lại ùa ra bỡ ngỡ như phút ban đầu. Khách chợt hồi hộp, cánh mũi phập phồng từ từ đưa dẫn hương lan vào thật sâu trong lồng ngực. Lúc này hương lan trở thành men say lan tỏa. lăng lăng tạo cảm giác đê mê như kích thích con nghiện dẫn tới đỉnh điểm. Khách nhẹ nhàng thở ra và từ từ mở mắt, sắc, thế của lan lại hút hồn… Như vậy diện vận chính là tứ kỳ tuyệt của lan: hương, sắc, thế, ý nhị và trình độ cảm thụ nhạy bén của khách thưởng lan cộng hưởng mà tạo được trong tâm hồn ta. Vì chúng ta mà lan âm thầm làm cuộc sinh tồn dâng hiến suốt đời. Gần lan, thưởng thức ý nhị của lan, ta thấy được cái tinh túy của đất trời chất lọc ban cho trong tứ diện để nâng niu, gần gũi và khai thác mà hướng tới chân, thiện, mỹ của cuộc đời.

Đúng như người xưa đã nói: “Nhân bất thiện chi hoa chỉ diện, nhân hữu thiện chi hoa chỉ mạo”. Nghĩa là người bình thường thì xem hoa chỉ thấy được mỗi cái vẻ đẹp bề ngoài của hoa mà thôi. Trái lại, người tài giỏi và sâu sắc thì xem hoa thấy cả được cái đẹp về nội dung ẩn chữa trong hình tượng biểu đạt của hoa. Chao ôi cái thú chơi hoa xưa của ông cha ta mới sâu đậm và thanh lịch làm sao. Một dân tộc có truyền thống chơi hoa tới tầm “đạo chơi” và sự thưởng hoa tới tầm minh triết như vậy thật đáng tự hào thay. Chơi với người đôi khi gặp đối tượng còn phải cảnh giác chứ chơi với cây ta chỉ nhận được ở đó sự hết mình. Đó là cái chân thật, cái xúc động tận đáy với những vẻ đẹp vừa phô bày, vừa kín đáo. Vì vậy cõi tinh thần này coi việc chăm cây và tâm tự với cây và chính cây cùng vẻ đẹp của nó đã giúp con người điều chỉnh mình, hoàn thiện và cân bằng mình. Chơi cây là bỏ cái ác, lấy cái thiện, bỏ cái xấu vươn lên theo cái đẹp. Rảnh rảnh chơi cây là một thuần phong mỹ tục toát lên triết lý nhân sinh của thú thưởng hoa, tạo nên một nét văn hóa độc đáo và sang trọng của dân tộc ta.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…

LỜI TỰ SỰ CỦA ÔNG LÊ QUANG KHANG

Tôi là Lê Quang Khang 94 tuổi, phần lớn thời gian tôi giành cho việc xem tivi. Truyền thống chơi sinh vật cảnh của dân…