KHÔNG THỂ BÁC BỎ ĐƯỢC TÊN – CÂY THẾ VIỆT NAM

04/03/2023 258 lượt xem

Báo Việt Nam Hương Sắc số tết Kỷ Sửu lại đăng tải bài “Đôi điều bàn thêm về cây thế”. Lời lẽ không biết của ai hoặc những ai, chỉ biết ghi bút danh là Lê Doãn Đàm. Bài báo định nghĩa từ thế và từ dáng như sau: “Thế là thế đứng theo mọi tư thế của người và vật thể hay còn gọi là phương hoặc trục tung và trục hoành trong toán học… Dánghình dáng, kiểu dáng, dáng vẻ của người và vật thể…Ứng dụng vào ngành an ninh có cách nhận dạng (hình dáng) riêng biệt của từng người”.

Đọc bài báo như vậy nhiều người bất ngờ. Sao thế lại còn gọi là phương, là trục tungtrục hoành trong toán học? Bốn thuật ngữ đó chỉ bốn khái niệm khác xa nhau. Sao dáng lại là hình dáng, kiểu dáng, dáng vẻ được? Đấy là bốn từ khác nhau, gồm một từ đơn, ba từ kép, chỉ bốn khái niệm có phần khác nhau. Định nghĩa một từ thì phải dùng từ ngữ làm rõ nội dung của khái niệm chứ sao lại bảo nó cũng là các từ khác? Bài báo còn cho rằng từ dáng ứng dụng vào ngành an ninh là nhận dạng. Khổ quá! Sao cả vết sẹo, nốt ruồi ở chỗ nào của một người lại là dáng của người ấy được!

Hai bài phản biện trước tôi đã nói rõ một số điều cơ bản của thế cây và dáng cây rồi. Riêng thuật ngữ dáng cây nội dung bài hai đã khá đầy đủ cả khái niệm, thời gian và lý do xuất hiện. Bài này tôi chỉ nói thêm về thế cây.

Đáng buồn là người viết bài báo chỉ biết có mỗi một chữ thế dùng trong cụm từ thế đứng nên khẳng định liều: ” Thế cây là thế đứng của cây. Cũng như thế đứng của võ thuật”.

Đâu phải vậy. Chữ Việt cũng như chữ Hán đều có nhiều chữ thế chỉ nhiều khái niệm khác nhau.

Này nhé!

Theo từ điển Tiếng Việt in lần thứ 8 năm 2001 có sửa chữa thì có 6 từ thế: 1. Thế: Đời (Miệng thế mỉa mai). 2. Thế: Tổng thể nói chung các quan hệ về vị trí tạo thành điều kiện chung có lợi hay không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người (Thế núi hiểm trở, đang thế bí, thế mạnh, thế yếu, ỉ thế nói bừa làm càn. Thế võ là từ thế này). 3. Thế: Thay vào (Thiếu phân đạm thì tạm thế phân xanh vào) hoặc giao làm tin để vay tiền (thế vợ đợ con). 4. Thế: Từ dùng để chỉ điều như hoặc coi như đã biết (viết như thế là sai, thế này thì ai chịu được). 5. Thế: Từ dùng để nhấn mạnh tính chất cụ thể gắn liền với hiện thực đã biết của điều muốn nói (Ai bảo thế). 6. Thế: Biểu thị sự ngạc nhiên (Ghét thế, không

biết).

Còn thế chữ Hán theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì có 7 chữ thế gốc chỉ 7 khái niệm khác nhau: 1. Thế: Gả chồng cho con gái. 2. Thế: Đời, nghĩa hẹp là thời gian sống của một sinh thể, nghĩa rộng là xã hội loài người. 3. Thế: Trạng thái, cơ hội, quyền lực, khí chất. 4. Thế: Thay cho. 5. Thế: Nước mắt. 6.Thế: Cắt tóc. 7. Thế: Cắt dãy cỏ hoang đi.

Chữ thế trong cây thế Việt Nam mà ông cha ta dùng là chữ Hán, vì trường phái nghệ thuật cây cảnh Việt Nam xưa đều là các nhà túc nho. Từ xưa đến nay, mọi người có hiểu biết đôi chút đều khẳng định ông cha ta đã dùng chữ thế có nghĩa là trạng thái, cơ hội, quyền lực, khí chất, tức chữ thế thứ ba trong từ điển Hán Việt. Chữ thế gồm 3 chữ ghép lại: phía trên bên trái là chữ hạnh (hạnh phúc), bên phải là chữ hoàn (viên mãn), phía dưới là chữ lực (sức mạnh). Ông cha ta xưa đã tạo dựng cây thế làm biểu trưng cho con người mình. Người “Đội trời đạp đất ở đời” nuôi chí lớn lập “thân, thế và sự nghiệp”, luôn lấy đạo lý làm gốc. Còn cây thì vững vàng bám đất, toả cành vươn ngọn lên trời, cùng đứng trong cõi trần và cũng có “thân” có “thể”, có đạo. Cây với người đồng hoá, đồng cảm, đồng thanh, đồng khí, tương ứng, tương liên, thủy chung như nhất. Vì vậy thế cây là thế người, nói đúng hơn là thế của con người Việt Nam.

Này nhé!

“Trăm năm đứng giữa cõi trần

Toả cành vươn ngọn chống dần trời lên “

Nhà thơ Trinh Đường đã nêu được cái thần của thế cây “Độc trụ kình thiên” như vậy. Thế cây này đầy khí phách của con người Việt Nam ta.

Rõ ràng thế cây đâu phải là thế võ như bài báo nhầm lẫn. Hai thế đó hoàn toàn khác nhau. Người viết bài báo chỉ biết mỗi chữ thế là thế võ biền, mục đích là để đấm đá. Còn chữ thế mà ông cha ta dùng trong nghệ thuật cây cảnh là thể nhân văn mục đích là để giáo dục đạo lý và bồi bổ nhân phẩm cho mọi thế hệ. Tôi đã sưu tập từ nhiều vùng miền đất nước, tổng số có khoảng 120 thế cây cổ. Các thế cây đều rất đẹp về hình thể và đều biểu đạt một chủ đề về đạo đức truyền thống của dân tộc. Xin hãy nghe tên một số thế cây để hiểu rõ điều đó: thế “Phụ tử tương tuỳ” (Cha truyền con nối), thế: “Phụ mẫu tương thân” (Tình mẹ con sâu nặng), thế “Huynh đệ tương cố” (Anh em sống có nhau), thế “Bằng hữu tương giao” (Bạn bè đoàn kết cùng nhau), thế “Bạch ốc xuất công khanh” (Nhà nghèo sinh bậc công hầu khanh tướng), thế “Bạt phong hồi đầu” (Vươn lên chống trả gió bão, sống quay đầu về gốc rễ cội nguồn), thế “Phương lão mai” (Danh thơm của cây mai già)…

Đến đây xin hỏi người viết bài báo là đã nhận ra chân lý chưa, thế cây có phải là thế võ không, các nhà túc nho xưa và bao người kém chữ nghĩa nên đã dùng chữ thế sai và nhầm lẫn giữa dáng và thế hay chính tác giả? Đúng là điếc không sợ súng.

Lại hỏi tiếp, dựa trên cơ sở khoa học nào mà bài báo dám khẳng định: “Ai đó cách đây vài ba thập kỷ đã “đẻ” ra tên gọi cho cây cảnh cổ là cây thế.” Đã là báo chí thì dù thực chất là của riêng cá nhân mình đi nữa cũng phải đúng đường lối chung và đảm bảo tính khoa học mới được.

Hầu hết những người từng chơi cây cảnh đều biết cây thế Việt Nam ra đời, phát triển rồi thịnh hành suốt chiều dài lịch sử chế độ phong kiến tự chủ và là một yếu tố quan trọng trong “Tứ kỳ viên”(Bốn thứ kỳ tuyệt trong vườn cảnh: mộc, thạch, ngư, cầm) của người Việt Nam. Cây thế đã trở thành biểu tượng cho nhân thế và gia thế của người chơi cây cảnh có văn hoá. Cho nên trung tâm vườn cảnh của gia đình nào thì phải bày cây chủ đúng với gia thế của mình. Trung tâm vườn thượng uyển của vua chúa bày thế cây “Phượng vũ long đàn” tượng trưng cho uy quyền, sự cao sang và niềm vui thái bình thịnh trị, thế này người dân không được chơi. Trung tâm vườn cảnh một nhà cha con đều thành đạt, làm quan trong triều đình thì bày thế cây “Phụ tử kế công khanh”. Trung tâm vườn cảnh một nhà có anh em đều khoa cử, đỗ đạt thì bày thế cây “Huynh đệ đồng khoa”. Trung tâm vườn cảnh của một người có trình độ, bản lĩnh và khí phách thì bày thế cây “Quân tử chính trực”. Kể cả vườn cảnh của gia đình một nhà nho nghèo ở nông thôn, người ta cũng bày ở trung tâm một thế cây đẹp nhất và phù hợp nhất với nhà mình. Đúng như Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) đã khẳng định: “Người xưa thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật. Trong cách chơi mà ngụ cái ý về thiên luân thế giáo. Cho nên đã mượn cái cây, tảng đá mà ký thác cao hoài” (Vũ trung tuỳ bút). Đây chính là nét đặc thù của nghệ thuật cây cảnh Việt Nam, đậm đà bản sắc, khác với nghệ thuật bon sai của nước ngoài. Bon sai mô phỏng cái đẹp của thiên nhiên là cơ bản, còn cây thế Việt Nam thì mượn cái đẹp của thiên nhiên để mô phỏng ý tưởng của con người là cơ bản.

Chưa hết, phần ghi chú ảnh 4 cây minh hoạ cho bài báo đã đảo dáng thành thế, đảo thế thành dáng hoặc hình. Nên biết là thuật ngữ cây thế, thế cây mà ông cha ta đã dùng là rất uyên bác. Tại sao đang là thế cây vừa có hồn vừa tải đạo lại dám bác bỏ đi để thay bằng hình cây vô hồn, vô giác. Vậy theo bài báo thì “Thế mẫu tử” phải đổi thành “Hình mẫu tử” có khác gì đổi cách gọi “con người” thành “hình người”.

Cây thế Việt Nam là một di sản văn hoá vừa là vật thể, vừa là phi vật thể của dân tộc. Bảo tồn loại hình cây thế cổ của ông cha để phát huy tác dụng tôn vinh cảnh quan và giáo dục đạo đức làm người, đồng thời không ngừng phát triển sáng tạo cây thế Việt Nam hiện đại vừa là đạo lý của con người Việt Nam đối với tiền nhân vừa là quan điểm của những ai có ý thức góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Bạn đọc hy vọng rằng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá sinh vật cảnh của dân tộc sẽ sớm là định hướng của tạp chí Việt Nam Hương Sắc.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…