LỜI TỰ SỰ CỦA ÔNG LÊ QUANG KHANG

04/03/2023 258 lượt xem

Tôi là Lê Quang Khang 94 tuổi, phần lớn thời gian tôi giành cho việc xem tivi. Truyền thống chơi sinh vật cảnh của dân tộc ta đã có hàng nghìn năm, nghệ thuật rất cao và nội dung rất sâu. Đây là một mảng văn hóa vô cùng cao quý mà ông cha ta đã sáng tạo. Nhưng rất tiếc là công nghệ in ấn xưa còn quá hạn chế nên các cụ không để lại văn sách, mặt khác đất nước phải trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài, cuộc sống tao loạn nên bị thất truyền. Nay ít người có hiểu biết chính xác và đầy đủ về văn hóa sinh vật cảnh của dân tộc.

Tôi có may mắn là sinh ra trong một gia đình có truyền thống chơi sinh vật cảnh rất nhiều đời, các cụ tôi dạy truyền khẩu và có để lại một cuốn sách viết tay về sinh vật cảnh. Bản thân tôi cũng đã say mê chơi và nghiên cứu sinh vật cảnh trên 30 năm nay. Những cuốn sách viết về cây cảnh và hàng trăm bài báo viết về sinh vật cảnh nói chung của tôi chính là tôi công bố tư liệu gia truyền và tri thức học hỏi được qua nhiều năm, đi nhiều nơi, gặp một số cụ cao niên có hiểu biết về vấn đề này.

Vậy tôi xin lạm bàn về bộ tranh “Tứ quý” của ông cha ta. Vấn đề là do nhiều người chưa hiểu hết chữ “quý”. Đây là chữ Hán, phiên âm đọc giống nhau nhưng chữ viết khác nhau và nghĩa khác nhau. Nhiều người chỉ hiểu một chữ “quý” là mùa nên rất lúng túng trước các bộ “Tứ quý” tại sao lại khác nhau. Tôi hiểu như sau:

Hai bộ “Tứ quý”: tùng, cúc, trúc, mai hoặc mai, lan, cúc, trúc thì chữ quỷ ở đây nghĩa là cao quý. Tứ quý ở đây nghĩa là 4 cây biểu trưng cho những cốt cách, phẩm chất cao quý của con người. Vì vậy có nơi còn gọi là bộ “Tứ hữu” (bốn người bạn).

Còn bộ “Tứ quý”: mai, sen, cúc, tùng mới là chỉ bốn mùa. Chữ quý ở đây nghĩa là 3 tháng một trong năm. Mỗi cây tiêu biểu cho một mùa của Việt Nam (Việt Nam cội nguồn là Miền Bắc). Người xưa đã chọn những cây vừa tiêu biểu cho thiên nhiên từng mùa vừa biểu trưng cho cốt cách, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Có nơi gọi bộ này là bộ “Tứ thời”. Thảng hoặc có tác giả chọn cây đào thay cho cây mai. Cây đào đúng là mùa xuân, nhưng cây mai vừa là mùa xuân lại vừa là cốt cách. Các Tiên hiền xưa sùng phụng nhất là hoa mai (nhất chi mai) và đã để lại bao áng thơ kiệt tác về hoa mai. Cho nên cần khẳng định bộ mai, sen, cúc, tùng mới là bộ “Tứ quý” (bốn mùa) chính thống của dân tộc.

Ngoài ra còn bộ tranh “Tứ bình” (bốn bức tranh treo ở bốn bên nhà). Các họa sĩ đã dựa theo bộ “Tứ quý” (bốn mùa) và sáng tác thêm hình ảnh động vật cảnh vào cho đẹp: mai điểu (hoa mai và chim-chim én), liên áp (sen và vịt), cúc điểu hoặc cúc điệp (hoa cúc và chim trĩ hoặc hoa cúc và bướm), tùng hạc (cây tùng và chim hạc).

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…