NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

06/03/2023 869 lượt xem

 

Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà bình; một lý trí sắt thép, một tâm hồn thơ mộng. Những tưởng hai con người làm hai việc ấy luôn đối lập nhau. Mấy ai hay, từ ngàn xưa tới nay, ở Việt Nam, hai con người ấy lại là một. Không những là một mà người cầm súng lại còn là thủy tổ và là những người luôn đi đầu trong nghề chơi đá, trồng hoa, cây cảnh.

Non bộ là một loại hình nghệ thuật sinh vật cảnh (SVC) được chơi khá phổ cập ở Việt Nam đã hàng nghìn năm nay. Đó là một tiểu cảnh thu nhỏ non sông đất nước về khuôn viên nhà mình để thưởng ngoạn. Tên gọi non bộ là từ ngữ thuần Việt. Non là núi nói theo cách nói văn học, bộ là dáng vẻ, điệu bộ, ở đây là thế dáng của núi. Ông thủy tổ của thú chơi non bộ chính là nguyên thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Theo Đại Việt sử ký ghi vua Lê Đại Hành cho dựng một hòn núi giả rồi mời văn võ bá quan đến thưởng thức nhân dịp lễ vạn thọ, tháng 7 Dậu (985).

Ông tổ nghề trồng hoa cây cảnh cũng chính là một vị quan thái úy (chức quan võ cao nhất thời Lý, Trần). Tại đình làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện NamTrực, tỉnh Nam Định thờ đức thành hoàng Tô Trung Tự, hiện nay còn giữ được thần phả ghi rất rõ. Từ cuối thế kỉ XII sang đầu thế kỉ XIII triều Lý, quan thái úy Tô Trung Tự vâng mệnh triều đình đi xây dựng phòng tuyến chiến lược quân sự dọc tuyến hạ lưu sông Hồng và ven bờ biển Bắc Bộ, ngụ tại làng Vị Khê. Người đã dạy dân làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Ngót nghìn năm nay, Vị Khê luôn là một trung tâm SVC của Việt Nam. Ở đây, nhà nhà trồng cây cảnh, người người trồng cây cảnh, cảnh làng đẹp như tranh vẽ, nhà nào cũng giàu có. Cây thế tạo hình lối cổ của làng Vị Khê đã trở thành thương hiệu “Cây cảnh Nam Định” đang có mặt khắp nơi trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.

Vua Quang Trung đánh tan 28 vạn quân Mãn Thanh đúng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1788). Trên mình, áo ngự bào còn đen sạm khói súng, trước điện Kính Thiên, Người tuốt gươm chiến mà ánh thép còn hoen máu giặc, ngắt một cành đào đang đơm bông. Người lệnh cho lính hỏa bài dùng ngựa lưu tinh phóng gấp, đem đào vào thành Phú Xuân báo tin thắng trận với Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân công chúa và nhân dân thành nội để mọi người cùng Hoàng Đế và dân tộc mừng xuân đại thắng. Hình tượng đẹp đẽ này mãi mãi sống trong những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Phút vui rạo rực đến tột độ mà hoa đào bỗng xuất hiện trong tâm hồn vị “đại nguyên soái” của dân tộc! Từ đó đào là hiện thâncủa thanh bình và hạnh phúc.

Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, nguyên là lính lái xe trên đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường Miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt đã kể lại chuyện “Đường phong lan ngày ấy” có thật mà như huyền thoại. Những năm 1970 – 1971, từng đoàn ô tô thuộc binh đoàn 559 đêm đêm nối đuôi nhau ra chiến trường. Máy bay AC130 của địch bay thấp, bay chậm lại có khí tài trinh sát bằng tia hồng ngoại và hệ thống dò tìm nhiệt độ từ ô tô của ta phát ra. Với súng cối 30 li rất hiệu quả, từ máy bay, địch đã gây thương vong lớn cho các chiến sĩ ta, ô tô và hàng hóa của ta bị phá hủy nhiều. Tư lệnh binh đoàn Đồng Sĩ Nguyên đích thân đi theo đoàn xe đã nảy sinh ý tưởng cho xe chạy ban ngày để đánh lạc hướng quân thù làm mọi người bàng hoàng: đi đêm còn bị nữa là đi ngày. Ông ôn tồn đưa ra giải pháp “Đường phong lan chống Mỹ”. Chừng 3000 bộ đội và thanh niên xung phong vào cuộc. Đoàn đi lấy tre nứa về bắc “giàn mướp” vào những chỗ trống trải suốt con đường dài khoảng 1000 km. Đoàn đi thu gom phong lan rừng. Chừng 7 vạn giò lan được buộc lên các “giàn mướp”, hoàn thành công trình đường K (kí hiệu đường kín). Ngụy trang bằng phong lan không những không bị héo như trước đây ngụy trang bằng cành lá mà còn trở thành một đường hoa rực rỡ muôn sắc ngàn hương. Giữa ban ngày, từng đoàn xe ta nối đuôi nhau ra trận theo “đường hoa” thơ mộng. Kẻ địch không hiểu vì sao mà Miền Bắc bỗng ngừng cho xe chạy vào Nam?! Có lẽ lịch sử chiến tranh thế giới chưa có cách ngụy trang nào lạ, hiệu quả và đầy lãng mạn như cách ngụy trang của người lính Việt Nam cầm súng và yêu hoa độc đáo đến như vậy.

Hiện nay ở Hà Nội có gần chục vườn cảnh đẹp hơn cả vườn thượng uyển của vua chúa ngày xưa, được các chuyên gia xếp vào đẳng cấp “Thăng Long đương kim kì viên” để tham dự festival SVC mừng Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đó có một vườn vừa đẹp vừa giàu ý nghĩa lại là của một người lính đang tại ngũ. Giữa Thủ Đô, bên dòng sông Hồng, một không gian mênh mông, có núi non, bãi đá, cỏ cây, rừng xanh, suối vắng, thác nước, đường mòn… tạo như tự nhiên. Thực là một cảnh lâm tuyền thơ mộng và thanh bình đến xao xuyến lòng người. Rồi lầu nghinh phong, quán ngự đình và bao nhiêu là cây hoa, cây thế được sắp đặt có nghệ thuật. Cách chơi của anh bộ đội hoàn toàn mang tính nhân văn. Không quản công sức, tiền của bỏ ra, quý nhân quyết sưu tập bằng được những quý vật SVC, mục đích chỉ để bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc và thư giãn thưởng ngoạn. Hiện Hà Nội chỉ còn 2 cây cảnh cổ trên 200 tuổi thì đã về cả vườn anh. Một cây đại cổ thụ tự nhiên trong rừng đất tổ Phú Thọ dáng xiêu, thế rồng bay, dài gần 10m cũng đã về bay trước tiền sảnh quán ngự đình của anh. Rồi những cây từ nhiều miền đất nước có ghi dấu kỉ niệm sâu sắc trên bước đường trường chinh của anh cũng đã được về sống bên anh. Có cây vẫn còn găm trong mình mảnh bom Mỹ ở rừng Trường Sơn. Anh là nhà báo đại tá Sử Trường Sơn.

Trên chỉ là điểm xuyết những điển hình chứ nghìn năm lịch sử dân tộc còn có hàng nghìn câu chuyện cảm động về người lính Việt Nam yêu hoa cảnh. Thì ra chân lí cũng dễ hiểu: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. Yêu cái đẹp, ghét cái xấu, yêu cái thiện, ghét cái ác, yêu hoà bình, ghét chiến tranh. Yêu thương là cái gốc của sự căm ghét. Biết yêu, biết ghét đúng mới biết cầm súng để bảo vệ cái chân thiện mỹ mà mình yêu quý. Thảo nào trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi lại có câu miêu tả người lính Việt Nam “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” sâu sắc thật. Chuyện cổ tích “Sự tích Hồ Gươm” cùng nội dung ấy. Liên Hiệp Quốc phong tặng Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” là đúng thực bản chất của dân tộc ta.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…

LỜI TỰ SỰ CỦA ÔNG LÊ QUANG KHANG

Tôi là Lê Quang Khang 94 tuổi, phần lớn thời gian tôi giành cho việc xem tivi. Truyền thống chơi sinh vật cảnh của dân…