SINH VẬT CẢNH – NGHỀ LÀM GIÀU BỀN VỮNG

04/03/2023 160 lượt xem

Việc sáng tạo và hưởng thụ sinh vật cảnh (SVC) xưa chủ yếu là giới hạn ở tầng lớp quý tộc, nay đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Đất nước ta đang ngày càng phát triển thì nhu cầu chơi SVC của các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng cao. Cho nên SVC giờ đây đã trả thành một ngành nghề của toàn xã hội, có bốn chức năng lớn:

Một là chức năng văn hóa: SVC làm đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước và hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Hai là chức năng khoa học: SVC góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu trái đất, giữ gìn sự bền vững của môi trường sinh thái.

Ba là chức năng xã hội: Hội SVC và các hoạt động SVC đang thu hút mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết cùng làm một nghề lao động thực sự say mê và nghiêm cẩn. Từ đó góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh.

Bốn là chức năng kinh tế: SVC không chỉ dừng lại ở mục đích thưởng ngoạn như xưa mà đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái cho thu nhập cao, giúp nhiều người làm giàu bền vững.

Phát triển kinh tế SVC hoàn toàn phù hợp với đường lối chung của đất nước và với nhu cầu của xã hội mới. Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, nước ta đang thực hiện đường lối chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo phương châm phát triển bền vững. Vùng đồng bằng đất chật người đông, đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Vùng ngoại thành cả nước đang chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp nông thôn sang kinh tế nông nghiệp đô thị sinh thái, lấy SVC làm mũi nhọn đã đạt nhiều thành quả đáng mừng. Mọi thành phố, thị xã, thị trấn và các làng nghề đều xuất hiện rất nhiều sân cảnh, vườn cảnh lớn, nhỏ. Một nét mới đến kỳ lạ là có vô vàn vườn cảnh treo trên ban công và trên sân thượng nhà cao tầng, làm mềm không gian đô thị, làm dịu mát cả thể chất và tâm hồn con người. Đặc biệt là sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật cây cảnh đang trở thành một thú chơi văn hóa tao nhã, thanh lịch và sành điệu, hình thành mốt mới của những người giàu sang ngày nay. Rồi chẳng mấy ai lại không thích có một bể cá cảnh đặt đúng vị trí nơi phòng khách, vừa để thư giãn, vừa đẹp cảnh nhà một cách sinh động kỳ lạ, vừa là một trong chín giải pháp cơ bản của luật phong thủy: ức chế các hiệu quả xấu của thiết kế và chế hòa sự mất cân bằng vẻ âm dương, tạo sự bình yên cho gia đình.

Vì vậy việc sản xuất và dịch vụ SVC đang là một nghề rất trúng, nhưng quan trọng là phải tìm được đúng định hướng.

Nhu cầu về hoa là rất lớn. Vì chẳng ở đâu, chẳng bao giờ, con người lại không cần hoa. Đất đai ta phì nhiêu, khí hậu nước ta bốn mùa đều trồng được hoa, nhân lực ta lại thừa. Thế mà nước ta đang phải nhập khẩu hoa với số lượng rất lớn. Hiện ở quê ta, người sống đang thiếu hoa, người chết cũng thiếu hoa. Cho nên việc sản xuất hoa cho thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ thịnh hành mãi mãi.

Nhu cầu cá cảnh của thị trường trong nước đang bỏ ngỏ lớn, còn thị trường thế giới hiện nay là 7 tỷ USD/ năm, cung còn cách xa cầu. Thành phố Hồ Chí Minh nhìn thấy nên nhiều năm qua Hiệp hội cá cảnh đã xuất khẩu thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tiêu năm 2010 họ sẽ đạt 50 triệu USD bằng 800 tỷ đồng. Trong khi bất kỳ ở đâu, nông thôn, thành thị, ngoài đồng, sân vườn, trong nhà, kể cả trên các tầng cao cũng đều có thể thiết kế được hồ nuôi cá cảnh.

Nhu cầu cây cảnh nghệ thuật (CCNT) rất lớn và sẽ ngày càng lớn. Sản xuất CCNT vừa tốn rất ít diện tích đất vừa cho thu nhập cao bất ngờ. Nhưng hiện nay phong trào chơi CCNT chưa phổ cập rộng rãi mà chủ yếu là sự trao đổi trong làng nghề và một số ít đại gia. Thực tế đó do nhiều nguyên nhân. Một là giá cây quá cao, nhất là những cây đẹp. Hai là hầu hết mọi người từ trí thức đến bình dân đều chưa có sự am hiểu về nghệ thuật cây cảnh, vì chưa được học, được đọc ở đâu một cách đầy đủ, có hiểu biết thì mới yêu thích, có yêu thích thì mới mua để chơi. Ba là bản thân bộ môn nghệ thuật cây cảnh của ta hiện nay phải chăng cũng chưa xác định được phương hướng thế nào là một cây cảnh đẹp và đậm đà bản sắc, phù hợp với sở thích của người Việt Nam. Bốn là đội ngũ nghệ nhân còn ít lại đa phần là tự mày mò nên tay nghề chưa cao, còn người đạt tầm nghệ sĩ sáng tạo trong nghệ thuật cây cảnh của ta thì phải chăng chưa có. Nếu khắc phục được những tồn tại trên thì nghề chế tác và dịch vụ CCNT sẽ vô cùng phát đạt.

Rồi nghề ươm trồng cây công trình để cung cấp cho nhu cầu đang khát ở trong nước và một số nước lân cận và nghề nuôi các loài chim cảnh sinh sản cũng là những “nghề chơi mà hái ra tiền”. Sản xuất SVC ưu việt ở chỗ trên một diện tích đất đai nhỏ lại cho thu nhập lớn. Nếu biết tận dụng không gian thì thu nhập tới mức lý tưởng. Ví như dưới là hồ nuôi cá cảnh sinh sản, trên mặt nước thiết kế hệ thống giá đỡ những chậu nuôi địa lan thuộc loài báu vật, trên nữa treo nhiều tầng nuôi những loài phong lan đang đắt giá. Trong nhà kính có các hệ thống thông gió, điều chỉnh nhiệt độ và phun sương. Chủ vườn nắm vững khoa học kỹ thuật trong sản xuất thì chỉ cần một diện tích sân vườn không lớn cũng trở thành tỉ phú SVC.

Quy mô sản xuất SVC tùy khả năng mà có thể mở ra từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Kể cả làm ăn rất nhỏ lẻ như một gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ dành được có một phòng rộng 4m trên tầng hai, thiết kế áp bốn bề tường nhiều tầng bể nuôi cá đĩa sinh sản, thế mà đang thu nhập khoảng 10 triệu đồng một tháng. Một con cá đĩa trưởng thành hiện nay giá hàng nghìn đô. Một cặp cá đĩa bố mẹ mỗi tháng sinh ra từ 500 – 600 con. Thậm chí làm ăn cò con, không cần trình độ kỹ, mỹ thuật gì lắm, đất đai cũng không nhiều, lao động lại nhàn nhã như một hội viên SVC ở thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên chuyên trồng cây phát lộc, hàng năm cứ đêm giao thừa cắt đem đến các cổng chùa bán cho những người đi xin lộc cũng thừa sức xóa đói giảm nghèo lại tránh được việc nhiều người bẻ cành hại cây. Tuy vậy, thời gian qua ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã có vài cảnh báo là một dự án trồng hoa hồng trên diện tích 50 ha bị thất bại và việc sản xuất đại trà cây sanh phôi bị ế. Cái đó là do trình độ khoa học và trình độ nghệ thuật của ta trong sản xuất kém chứ không phải tại hoa tại cây.

Tóm lại SVC luôn đồng nghĩa với nhân văn, xanh, sạch, đẹp, giàu. Vậy hãy đánh thức mọi tiềm năng, gieo trồng muôn sắc ngàn hương, thổi hồn cho cây, làm đẹp cho đất, làm lành cho trời, làm giàu cho ta.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…