TẠO HÌNH CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM – VỪA HIỆN ĐẠI VỪA ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC

04/03/2023 231 lượt xem

Màu xanh của thiên nhiên, đặc biệt là màu xanh cây cỏ gắn bó nhất với con người, dung dưỡng cả thể chất và tâm hồn con người. Cho nên yêu thiên nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên là bản tính bẩm sinh của con người. Thuả ban đầu hoang sơ, loài người sống gắn liền với thiên nhiên là một sự tự nhiên. Lịch sử ngày một phát triển, làng mạc hóa, rồi đô thị hóa không ngừng, nhất là đến thời kỳ nhiều nơi diễn ra sự phát triển không bền vững thì ham muốn được sống hòa đồng với thiên nhiên của con người trở thành nhu cầu bức xúc. Nhưng không gian nơi ở thì có hạn mà thiên nhiên thì bao la. Vì vậy con người phải thu nhỏ thiên nhiên, thu nhỏ cây cổ thụ về khuôn viên nhà mình để thưởng ngoạn, để chung sống. Hoạt động thu nhỏ ấy của con người hàng nghìn năm đã trở thành bộ môn nghệ thuật cây cảnh. Đương nhiên đã là một bộ môn nghệ thuật tất nhiên thuộc lĩnh vực văn hóa của nhân loại. Đã là văn hóa thì cũng tất nhiền mang bản sắc của các dân tộc. Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise đã chấp nhận khái niệm văn hóa của Unesco đưa ra: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Vậy nghệ thuật cây cảnh không thể nằm ngoài quy luật chung ấy.

Cây cảnh nghệ thuật (CCNT) trên thế giới hiện nay người ta đều gọi chung một cái tên là bon sai. Bon sai khởi nguồn từ Trung Quốc. Ban đầu có cái tên là bồn tài (bồn là chậu, tài là trồng cây). Đến đời nhà Đường (618 – 905), bồn tài đã thực sự trở thành bộ môn nghệ thuật kỳ thú với những đặc điểm riêng: sự cân đối, hài hòa của một cây được thu gọn trồng trong chậu là nét đẹp hấp dẫn của nghệ thuật này. Phải chăng sự cân đối hài hòa là thể hiện bản sắc dân tộc của Trung Quốc một nước đông dân dưới chính thể quân chủ. Trật tự, kỷ cương, nghiêm ngặt phải là lối sống của cả dân tộc mới giữ được sự ổn định của đất nước. Về sau, nghệ thuật bồn tài được truyền bá ra một số nước Châu Á nhất là Nhật. Sang Nhật họ viết và đọc thành bon sai. Chính tại Nhật Bản, nghệ thuật bon sai được hoàn thiện và được truyền bá rộng ra nhiều nước trên thế giới. Hiện nay nghệ thuật bon sai ở Nhật họ có thể làm chết đi gần hết một cây: thân bị lột vỏ chỉ để lại một vệt còn bị đục khoét tận xương tủy, rồi không có ngọn, không có nhiều cành, chỉ để lại một cành buông rơi về một bên, mất hẳn sự cân đối. Nhưng một cành ấy đạt đỉnh cao về sức sống xanh tươi và sự kỳ mỹ đến huyền diệu. Phải chăng do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, dân tộc Nhật phải sống trên hàng ngàn hòn đảo sỏi đá, nghèo tài nguyên lại liên tục động đất. Lịch sử có thời gian nhân dân Nhật từng nếm trải bao gay gắt dưới chế độ quân chủ tàn bạo. Rồi thế chiến thứ hai lại bị bom nguyên tử và đại bại, phải bồi thường chiến tranh. Thế mà chỉ sau 45 năm họ đã thắng mọi thách thức và trở thành một siêu cường. Thế là dân tộc Nhật thần kỳ đã vượt lên trên một ngàn cái chết để có một cái sống tuyệt vời. Như vậy từ bồn tài của Trung Quốc, dân tộc Nhật đã tiếp biến thành bon sai hoàn toàn mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Còn ở Việt Nam từ xa xưa, ông cha ta đã sáng tạo ra một loại hình CCNT riêng của dân tộc mình, từ cái tên gọi cũng hoàn toàn khác, không phải bồn tài, cũng không phải bon sai mà là cây thế.

Vậy trước hết ta cần hiểu khái niệm của chữ thế mà các bậc hiền tài xưa đã chọn để đặt tên cho cây cảnh. Vì nếu một chữ này cũng không hiểu thì hiểu sao được cả vấn đề lớn là truyền thống văn hóa chơi cây cảnh của dân tộc để kế thừa. Một thực tế không vui là hiện nay có một số người vẫn đang hàm hồ rằng thế cây là thế đứng, thế nằm của nó, bởi họ chỉ biết có một chữ thế là thế đứng, trong khi cả chữ Việt và chữ Hán tổng số có tới 13 chữ thế:

Theo Từ điển tiếng Việt in lần thứ tám năm 2001 có sửa chữa thì có 6 từ thế: 1. Thế: Đời (Miệng thế mỉa mai). 2. Thế: Tổng thể nói chung các quan hệ về vị trí tạo thành điều kiện chung có lợi hay không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người (Thế núi hiểm trở, đang thế bí, thế mạnh, thế yếu, ỉ thế nói bừa làm càn. Thế võ là từ thế này). 3. Thế: Thay vào (Thiếu phân đạm thì tạm thế phân xanh vào) hoặc giao làm tin để vay tiền (thế vợ đợ con). 4. Thế: Từ dùng để chỉ điều như hoặc coi như đã biết (viết như thế là sai, thế này thì ai chịu được). 5. Thế: Từ dùng để nhấn mạnh tính chất cụ thể gắn liền với hiện thực đã biết của điều muốn nói (Ai bảo thế). 6. Thế: Biểu thị sự ngạc nhiên (Ghét thế, không biết).

Còn thế chữ Hán theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì có 7 chữ thế gốc chỉ 7 khái niệm khác nhau: 1. Thế: Gả chồng cho con gái. 2. Thế: Đời, nghĩa hẹp là thời gian sống của một sinh thể, nghĩa rộng là xã hội loài người. 3. Thế Trạng thái, cơ hội, quyền lực, khí chất. 4. Thế: Thay cho. 5. Thế: Nước mắt. 6. Thế: Cắt tóc. 7. Thế: Cắt dãy cỏ hoang đi.

Chữ thế trong cây thế Việt Nam mà ông cha ta dùng là chữ Hán, vì trường phái nghệ thuật cây cảnh Việt Nam xưa đều là các nhà túc nho. Từ xưa đến nay, mọi người có hiểu biết đôi chút đều khẳng định ông cha ta đã dùng chữ thế có nghĩa là trạng thái, cơ hội, quyền lực, khí chất, tức chữ thế thứ ba trong từ điển Hán Việt.(-) Chữ thế này gồm 3 chữ ghép lại: phía trên bên trái là chữ hạnh (hạnh phúc), bên phải là chữ hoàn (trọn vẹn), phía dưới là chữ lực (sức mạnh). Ông cha ta xưa đã tạo dựng cây thế làm biểu trưng cho con người mình. Người “Đội trời đạp đất ở đời” nuôi chí lớn lập “thân, thế và sự nghiệp”, luôn lấy đạo lý làm gốc. Còn cây thì vững vàng bám đất, tỏa cành vươn ngọn lên trời, cùng đứng trong cõi trần và cũng có “thân” có “thể”, có đạo. Cây với người đồng hóa, đồng cảm, đồng thanh, đồng khí, tương ứng, tương liên, thủy chung như nhất. Vì vậy thế cây là thế người, nói đúng hơn là thế của con người Việt Nam. Dù có tạo thế con rồng, con phượng, con hạc cũng để ngụ ý nói về con người, giống như thể văn ngụ ngôn vậy. Đó là đặc thù của nghệ thuật cây cảnh truyền thống Việt Nam. Cho nên trực, xiêu, hoành, huyền chưa phải là thế đâu. Nếu hiểu như vậy thì hóa ra trong thiên nhiên khắp thế giới cây nào cũng là cây thế cả. Vì trong thiên nhiên ở đâu cây cũng chỉ có 4 thế ấy thôi. Cây bình thường thì đứng thẳng: “Cầm thú chi sinh hoành kỳ thân thủ tiền nhi vĩ hậu – Thảo mộc chi sinh trực kỳ thân mạt thượng nhi bản hạ” (Cầm thú sống thân ngang đầu trước đuôi sau – Cây cỏ sống thân thẳng ngọn trên gốc dưới). Cay gặp nạn thì bị đổ xiêu, cây gặp nạn nặng thì bị đổ nằm. Cây ở vách núi gặp nạn thì bị đổ treo chứ thế thiếc gì. Thế cây phải do con người tạo hình và là cách chơi cây cảnh truyền thống của Việt Nam. Các cụ ta xưa chơi cây cảnh toàn là các bậc nho sĩ, đâu có hời hợt và nông cạn như một số người ấy. Trái lại, ông cha ta chơi cây mang ý nghĩa sâu xa lắm chứ.

Chỉ có ý thức nghiên cứu một cách nghiêm túc, khách quan và khoa học mới biết được cây thế là một loại hình CCNT của một trường phái chơi cây cảnh ở Việt Nam thịnh hành suốt chiều dài lịch sử chế độ phong kiến độc lập tự chủ, xã hội tam giáo đồng nguyên.

Về phương pháp nghệ thuật sáng tác và nội dung tư tưởng sáng tác đều mang tính đặc thù rất Việt Nam.

Về phương pháp sáng tác, nếu như bon sai mô phỏng cái đẹp của thiên nhiên là chủ yếu thì cây thế Việt Nam mượn cái đẹp của thiên nhiên để mô phỏng cái đẹp của ý tưởng con người là chủ yếu. Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) đã khẳng định “Người xưa đã cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật. Trong cách chơi mà ngụ cái ý về thiên luân thế giáo. Cho nên đã mượn cái cây, tảng đá để ký thác cao hoài” (Vũ trung tùy bút). Như vậy trước khi tạo dựng một thế cây, tác giả phải có ý tưởng rồi thiết kế ý tưởng đồng thời đặt cho cây một cái tên thế bằng một cụm từ chữ Hán nêu chủ đề tư tưởng của cây. Sau đó tạo hình từ gốc rễ, thân, cành, ngọn đến lá lộc theo ý tưởng. Còn thủ pháp nghệ thuật truyền thống của cây thế Việt Nam đã xác lập ổn định là tượng hình và nhân hóa hoặc tượng hình và ẩn dụ là cơ bản.

Tượng hình là tạo cho cây có những nét mô phỏng hay cách điệu theo hình dáng sự vật hoặc theo ý niệm của tác giả.

Nhân hóa là biện pháp nghệ thuật biến cây thành người trong cách thể hiện, Thí dụ thế phu thê là phải hai cây hai gốc riêng và tạo hình mô phỏng vợ chồng. Cây trồng đường nét dứt khoát, cương nghị, dáng vẻ hiên ngang. Cây vợ mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng. Hai cây hướng vào nhau âu yếm.

Ẩn dụ là biện pháp nghệ thuật tạo dựng cái cây là sự vật này hoặc gọi tên cây là sự vật này nhưng mục đích là nói về sự vật khác tức là con người nào đấy. Thí dụ thế nguyệt ảnh (ánh trăng) tạo hình tượng ẩm dụ người phụ nữ đẹp trong sáng, thơ mộng, giàu tâm hồn.

Về nội dung tư tưởng sáng tác, ông cha ta tạo dựng một cây thế là bằng tất cả tâm huyết của mình và mượn nó để gửi gắm, ký thác một nỗi niềm, một hoài bão cao xa, một triết lý cuộc sống, một nhân cách cao đẹp, một điều răn dạy về đạo đức chuẩn mực làm người…Đó là thiên luân thế giáo, là đạo lý ở đời, là khát vọng sống tốt đẹp, là tính nhân văn, là bản sắc Việt Nam. Mục đích để tự rèn, tự chế trong việc tu thân tích đức đồng thời để giáo dục con cháu và nhắc nhở mọi người sống cho đúng với thiên lý, nhân tâm. Gọi chung là đạo. Dân tộc ta trọng đạo hơn tất cả mọi thứ vật chất trên đời: “Miếng trầu ngon bởi tay đưa”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Yêu nhau bốc bải dần sàng, chẳng yêu mâm ngọc co vàng không ăn”, “Râu tôm nấu với ruột bù, chồng chan vợ húp gật gù khen ngon”, “An bần lạc đạo”… Đạo vua tôi, đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo anh em, đạo bằng hữu, nói gọn là đạo làm người. Cho nên đi học thì phải “Tiên học lễ, hậu học văn”, lễ là đạo làm người, văn là tri thức. Là con người thì sống và hành động đều phải theo đạo lý. Thậm chí uống rượu cũng có đạo tửu gồm 10 điều, đứng đầu là tiên tửu, đứng cuối cùng là bét tửu; trộm cắp cũng còn có đạo chích quy định những điều như: 1. Không lấy của người làng, 2.Không lấy của người thân, 3. Không lấy của người nghèo khổ, 4. Không lấy của gia đình đang có niềm vui (như đám cưới), 5. Không lấy của gia đình đang có nỗi buồn (như đám tang), 6. Không giết người lấy của… Nếu làm những điều đó sẽ phạm tội thất đức, không những đời mình mà đời con cháu sẽ phải gánh chịu tội.

Vậy thì cây cảnh của người Việt Nam nhất thiết phải tải đạo như “Văn dĩ tải đạo” vậy.

Trong kho tàng cây thế cổ, chúng tôi đã sưu tầm và thống kê có trên 150 thế, mỗi thế mang một chủ đề tư tưởng đạo đức làm người. Ngoài ra tất cả mọi thế đều phải thể hiện một chủ đề tư tưởng chung rằng phúc đức vẹn toàn là sức mạnh của mỗi người, mỗi nhà như ý nghĩa thể hiện trong cấu trúc chữ thế mà ông cha ta đã chọn để gọi tên cây cảnh. Chính ca dao cổ đã nhắc nhở mọi người phải nhớ là “Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn – Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu – Người ta nguồn gốc từ đâu – Có tổ tiên trước rồi sau có mình”. Vì vậy dù cây cảnh là thế gì thì gốc rễ cũng là cội nguồn tiên tổ nên phải nổi lên bề thế và vững vàng bám đất, thân cây là cha mẹ nên phải thể hiện ý chí vươn lên và sự nếm trải, cành là con cháu nên phải đầy đủ sum vầy và chi trên không đề chi dưới, ngọn là sự vươn lên và có tên là quả phúc. Cây không có mâm rễ lộ căn giống như là loại người mất gốc, không có thân là mồ côi cả cha mẹ, không có cành là tuyệt tự, không có ngọn là tuyệt vọng, người Việt Nam kiêng không chơi.

Rõ ràng bồn tài của Trung Quốc, bon sai của Nhật và cây thế Việt Nam đều là CCNT nhưng mang bản sắc khác nhau của mỗi dân tộc.

Bon sai có thể chỉ cần 2 tiêu chí cơ bản là kỳ và mỹ. Còn cây cảnh truyền thống của Việt Nam nhất thiết phải hội đủ 4 tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn. Ba tiêu chí cổ thụ, kỳ lạ và đẹp là hình thức của tác phẩm, còn tư tưởng nhân văn là nội dung của tác phẩm. Tạo hình thức để chuyển tải nội dung, không thể thiếu một trong hai.

Cũng cần nói thêm là hiện nay ta đang dùng cụm từ cây cảnh nghệ thuật không khoa học. CCNT là chỉ chung các loại hình cây cảnh có hoạt động tạo hình của nghệ nhân nên nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật sống để phân biệt với cây cảnh tự nhiên là những cây tự bản thân nó sinh ra trong thiên nhiên đã có các yếu tố để con người tuyển chọn về trồng làm cảnh. CCNT của Việt Nam hiện nay gồm 5 loại hình: 1. Cây thế cổ Việt Nam, 2. Kiểng cổ Nam Bộ, 3. Cây thế đương đại, 4. Cây cảnh tạo hình vật thể (miền Bắc tạo hình nhiều vật thể như tháp rùa, cổng tam quan, lư hương, hạc chầu, hươu nai… Miền Nam có kiểng thú), 5. Bon sai du nhập.

Tại sao ta lại dùng cụm từ CCNT để chỉ một loại hình cây cảnh mới sản xuất phổ biến hiện nay, kệ nó muốn là cây thế hay bon sai không biết, kể cả nó chẳng có tí nghệ thuật nào cũng cứ gọi. Vậy nên mới có những biển đề: “Triển lãm cây cảnh nghệ thuật…”. Nhưng khách vào xem thì gặp nhiều cây phản bác nghệ thuật. Đáng lẽ chỉ đề biển là “Triển lãm cây cảnh…” thôi, hay muốn cho sang một tí thì đề là “Trưng bày nghệ thuật cây cảnh…” thì còn tạm được. Nghệ thuật cây cảnh là tên bộ môn (cũng như nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật hội họa, nghệ thuật điêu khắc…) hiện nay ta chưa biết dùng. Còn cây cảnh nghệ thuật là những sản phẩm nghệ thuật thành công của bộ môn thì ta lại dùng chưa đúng. Cũng như nên gọi là câu lạc bộ nghệ thuật cây cảnh, hội nghệ thuật cây cảnh đúng hơn là gọi câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật, hội cây cảnh nghệ thuật như hiện nay. Bảng chấm cây tại Festival sinh vật cảnh thành phố Hồ Chí Minh năm 2006 chia cây ra 3 loại để chấm: Kiểng cổ Nam Bộ, bon sai và cây cảnh nghệ thuật. Vậy xin hỏi kiểng cổ Nam Bộ và bon sai nó không phải là cây cảnh nghệ thuật thì là cái gì? Sử dụng ngôn ngữ như vậy là phi lôgic.

Còn sự phong phú đa dạng của cây cảnh nghệ thuật ở nước ta như hiện nay là rất tốt để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau. Ví như cây cảnh cổ giữ nguyên lối tạo hình bông tán gây ấn tượng trang trọng, trật tự, kỷ cương, nền nếp, rất thích hợp với những nơi tôn nghiêm như đình, chùa, nhà thờ, nghĩa trang liệt sĩ, công sở. Cây cảnh tạo hình bông tán lối mới như ở Hà Nội hiện nay rất bắt mắt, thích hợp với sân cảnh, vườn cảnh gia đình. Cây cảnh tạo hình vật thể 12 con giáp của Hiền Ham rất thích hợp với những dịp đón xuân của nhân dân trong nước và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Năm mang tên con gì họ muacon đó về trưng bày Tết.

Một vấn đề rất đáng suy nghĩ nữa là hiện nay việc sản xuất loại sản phẩm mà ta đang gọi là CCNT hình như chưa có phương hướng đúng nên trong nhiều cuộc trưng bày cây cảnh có tới 80% là na ná giống nhau, kiểu cây đa làng và không có chủ đề tư tưởng vì chính tác giả cũng không có chủ định tạo hình theo một chủ đề tư tưởng nào. Đúng là hình tượng cây cũng chung chung như cái tên gọi rất chung chung của nó vậy: cây cảnh nghệ thuật!

Tóm lại nghệ thuật cây cảnh thuộc lĩnh vực văn hóa. Văn hóa không bao giờ đoạn tuyệt với quá khứ mà luôn mang tính kế thừa và phát triển. Với nghệ thuật cây cảnh Việt Nam là kế thừa phương pháp nghệ thuật sáng tác và nội dung tư tưởng sáng tác của ông cha để đạt mục đích là cây cảnh Việt Nam phải hội đủ 4 tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn. Còn việc phát triển, sáng tạo, hiện đại là khôn cùng. Ngoài ra văn hóa cũng không bao giờ bế quan tỏa cảng mà luôn có sự tiếp biến.

Hy vọng rằng nghệ thuật cây cảnh Việt Nam hiện đại sẽ phát triển có định hướng để cái kỳ mỹ thì mình không thua ai, nhưng cái “Hồn Việt” trong đó thì không ai có. Đúng như lời cảm đề của cố nhà văn nho sĩ Tào Mạt khi xem triểnlãm cây thế Hà Nội xuân Nhâm Thân (1992):

“Vô ích thảo hoa thành bảo vật

Nhân hiền tục mỹ Việt Nam hồn?”

(Những cây cỏ vô ích trở thành vật báu – Người hiền tục hay là hồn Việt Nam?)!

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…