THÀNH CÔNG KỲ VIÊN – CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG

02/03/2023 312 lượt xem

1000 năm từ Kinh đô Thăng Long xưa đến Thủ đô Hà Nội nay, nhiều thú chơi thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Tràng An đã hình thành phát triển và trở thành truyền thống văn hóa lâu đời, tiêu biểu cho cả dân tộc. Một thú chơi tao nhã có bề rộng, bề dầy, bề sâu và sự cao quý thanh lịch vô cùng. Đấy là tình yêu, sự đam mê, tài ba sáng tạo và thú vui hưởng thụ sinh vật cảnh (SVC), xưa ông cha ta gọi là “tứ kỳ viên”, nghĩa là bốn thứ kỳ tuyệt của vườn cảnh gồm: mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim). Tính đặc thù của bốn yếu tố đó tiền nhân đã khẳng định là phải kỳ (kỳ mỹ, kỳ lạ, kỳ tuyệt, kỳ dị, kỳ quái, kỳ diệu, kỳ khôi, kỳ ảo, kỳ thú, kỳ công…). Đó là những danh hoa, dị thảo, cổ mộc, quái thạch, trân cầm, kỳ thú được con người tuyển chọn, nuôi trồng, tạo dựng, thổi hồn để thưởng ngoạn, thư giãn, tu tâm, dưỡng tính, luyện đức, rèn chí, dưỡng thần… Xưa chỉ có vua chúa và các quan lại mới có kỳ viên giữa đô thị để hưởng thụ cái thú lâm tuyền (lâm là rừng, tuyền là suối), biểu trưng cho nơi tĩnh lặng, thanh tao, thiên nhiên hoàn toàn, trái với cảnh phồn hoa đô thị ồn ào, bụi bặm. Ngày nay chơi SVC đã trở thành phong trào quần chúng. Chỉ riêng các quận nội thành Hà Nội cũng đã có hàng trăm vườn cảnh gia đình đẹp. Trong đó nhiều vườn có thể xếp vào đẳng cấp “Thăng Long đương kim kỳ viên” để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thành Công kỳ viên là một vườn được các chuyên gia đánh giá có chất lượng toàn diện, đạt đủ 5 tiêu chí của một vườn cảnh truyền thống Việt Nam: Một là vườn có đủ bốn thành tố mộc, thạch, ngư, cầm và hầu hết đều đạt được chữ kỳ. Có thể nói không có sản phẩm nào tầm thường. Hai là các vật thể trong vườn được sắp đặt đúng vị trí tạo nên cái đẹp tổng thể khá hài hòa. Hài hòa với nhau và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Ba là sự phối hợp các yếu tố cảnh vật thể hiện đúng đặc thù của vườn cảnh truyền thống Việt Nam. Non đi với nước thành sơn thủy hữu tình và hài hòa âm dương để tạo nên sự bình yên vĩnh hằng. Núi đá là vạn cổ trường tồn đi với đồi tùng cổ trường sinh. Trên là đất đá, dưới có cá bơi tạo nên cảnh có tĩnh, có động, có cương, có nhu. Hoa điểu tức cây cỏ đi với chim muông là quan hệ tương sinh, tương là vạn hòa. Rồi cây cũng được tuyển chọn để tạo dựng theo bộ như bộ “tứ tuyệt” sung, sanh, đa, lộc hay bộ “nhị hoài” sống như đa, già như ruối… Bốn là thiết kế vườn cảnh có sự phối hợp ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hương vị. Những cái đó biểu đạt cho đất trời và tâm hồn người Việt. Màu xanh cây cỏ được điểm xuyết với màu sắc rực rỡ của hoa và phảng phất hương vị của hoa thơm tráingọt bốn mùa. Tiếng suối róc rách, tiếng chim gù, hót đau đây. Tất cả hòa quện trong ánh nắng, mảng thì rực rỡ, mảng thì nhặt thưa như rắc nắng, mảng thì râm mát rười rượi. Nhờ vậy Thành Công kỳ viên có sức hút hồn người đến và làm ngơ ngẩn người đi. Năm là Thành Công kỳ viên thể hiện được cách chơi cảnh của người Việt Nam là cảnh phải tải đạo. Mỗi tác phẩm đều có chủ đề tư tưởng riêng, toàn kỳ viên lại có chủ đề tư tưởng chung. Trung tâm vườn cảnh là tiểu cảnh “chốn xưa” đã tái hiện được những hình ảnh gây hoài niệm sâu sắc về Thăng Long xưa. Đó là cây sanh cổ kỳ dị biểu tượng của những cây đa làng Việt xưa vẫn còn đang sống giữa lòng phố cổ Hà Nội như cây đa Nhà Bò, cây đa phố Hàng Gai, cây đa Báo Nhân Dân… Chúng không như những cây cỏ thông thường khác mà thực sự đã trở thành những sinh thể có hồn trong thế giới tâm linh của người Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Đó là Hồ Gươm thơ mộng và huyền thoại với Tháp Rùa cổ kính và truyền thuyết vua Lê Thái Tổ hoàn trả gươm thiêng cho Thần Rùa. Đó là một trong những ngôi đền tứ trấn thờ các vị thần của Kinh Đô bất khả xâm phạm đã cùng các triều đại Lý, Trần, Hậu, Lê và Tây Sơn phá Tống, dẹp Nguyên, diệt Minh và đạp Thanh. Có thể nói tiểu cảnh đã hình tượng hóa, đã thăng cư thần vị hồn thiêng của Thăng Long nghìn năm để nhớ. Ngay đằng sau đó là tiểu cảnh non bộ hùng vĩ có tên thế là “lưỡng trụ kình thiên, long ngưỡng mộ” (hai cột chống trời, rồng ngước nhìn). Rồi hàng trăm cây là hàng trăm thế, mỗi thế đều chuyển tải một chủ đề tư tưởng có giá trị nhân văn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc: “phụ tử tương tùy” (cha truyền con nối), “mẫu tử tương thân” (tình mẹ con sâu nặng), “huynh đệ tương cố” (anh em sống có nhau), “bằng hữu tương giao” (bạn bè đoàn kết cùng nhau phát triển), “độc trụ kình thiên” (một cột độc lập chống trời lên), “quân tử chính trực” (người quân tử ngay thẳng), “quân tử vân hà giao” (người quân tử làm bạn với mây ráng), “bạt phong hồi đầu” (vươn lên chống trả gió bão, ngọn quay về gốc rễ cội nguồn), “tích thụ phát lộc” (cây dồn sức nảy lộc), “gia tiên căn bản, phúc lộc mãn đường” (gốc rễ vững vàng, phúc lộc đầy nhà),…

Khách tới tham quan Thành Công kỳ viên sẽ được thưởng ngoạn hai công trình nghệ thuật chủ yếu là tiểu cảnh non bộ kỳ mỹ và hệ thống cây cảnh nghệ thuật (CCNT) hút hồn: Nổi bật nơi trung tâm kỳ viên là một tiểu cảnh non bộ. Thoạt nhìn ta đã cảm thấy choáng ngợp trước cảnh nước non cây rừng bao la, hùng vĩ, thơ mộng và kỳ thú hiếm thấy. Hai trụ đá một lớn một nhỏ thẳng tắp vươn lên trời xanh, tư thế hiên ngang, chiều cao chất ngất, đứng vững vàng trên tảng đá lớn hình tượng con rùa. Cạnh đấy, bên kia bờ suối nhỏ, một con rồng đá nguyên khối ngẩng cao đầu ngước nhìn hai cột đá oai phong lẫm liệt. Chẳng hiểu do trời ban hay kỳ thạch đã tìm đến hội nhập với gia đình Thành Công. Quả là quý vật tìm quý nhân. Một thế núi hiện lên rõ ràng mà xưa nay chưa thấy ở đâu: hình tượng hai cột đá nâng cao trời lên biểu trưng cho con người Việt Nam cha truyền con nối đầy khí phách anh hùng bất khuất, khiến rồng đứng đầu trong bộ “tứ linh” cũng phải ngước nhìn hâm mộ. Nghệ thuật phối cảnh ở đây thật hài hòa và thể hiện cách chơi cảnh có chiều sâu của người Việt Nam ta. Một quần thể núi đá rất tự nhiên ngự giữa một vùng đồi tùng rất mênh mông. Dưới chân núi có thác reo, suối trong, cá lượn, chim đậu, cỏ xanh, hoa thắm. Khách thưởng ngoạn tưởng mình lạc vào chốn đào nguyên. Rồi nổi tiếng nhất của Thành Công kỳ viên còn là khoảng trên 200 CCNT, gần như cây nào cũng đã hoàn thiện và xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật sống hội đủ bốn tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn. Thông thường để có được một tác phẩm nghệ thuật sống như vậy, người nghệ sỹ SVC phải bắt đầu từ một cây phôi nhỏ, rồi trải qua cả một quá trình lao động kết hợp một cách kỳ diệu giữa kỹ thuật nuôi trồng và nghệ thuật tạo hình có khi mười năm, một trăm năm, cả một đời người, thậm chí nhiều đời kế tiếp vận dụng những thủ pháp thu nhỏ, những nghệ thuật cắt tỉa đặc thù của nghệ thuật cây cảnh, gia công tinh xảo, bố cục thanh thoát, chế tác tài hoa mới sáng tạo được một chậu cảnh độc đáo, tái hiện được cái thần của thế giới tự nhiên, đẹp mê hồn, làm ngơ ngẩn người thưởng ngoạn. Trong cái gang tấc mà chứa đựng cái xa xăm, trong cái thấp bé mà có dáng hồn của cây cao bóng cả, rồi những đường nét, những dáng hình trầm lặng, sâu sắc của CCNT trong khuôn viên nhà mình mà gợi tả, mà gây ấn tượng về biết bao hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội. Ta suy ngẫm, ta liên tưởng, ta hướng tới chân thiện mỹ và ta hưởng thụ những niềm vui vô tận. Ở đây chủ Thành Công kỳ viên đã biết đốt cháy giai đoạn bằng cách dầy công sưu tầm những cây cảnh cổ thụ vốn trồng trong chậu có chứa những yếu tố triển vọng đẹp, từnhiều vùng miền trong nước và nước ngoài, đưa về tạo dựng lại thế dáng và thổi hồn cho từng cây. Vì vậy ông mới đi vào nghệ thuật cây cảnh khoảng gần 20 năm nay mà trong vườn lại đa phần là những cây có tuổi thọ hàng trăm năm. Nghệ thuật tạo hình cây cảnh của ông có sự đổi mới và sáng tạo muôn hình muôn vẻ. Đặc biệt là hệ thống bông tán được tạo hình rất nghệ thuật lại uốn vặn, cắt chuyền, chuyển dật, dích dắc, đẹp như tranh vẽ. Hệ thống bông tán như những bậc thang mây thơ mộng. Tóm lại, CCNT của Thành Công kỳ viên về số lượng khá lớn, về chủng loại vô cùng phong phú, về nghệ thuật muôn hình muôn vẻ, về tải đạo mỗi cây là một bức thông điệp có giá trị nhân văn sâu sắc. Ngoài ra mọi cây đều biểu đạt được một ý tưởng chung thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là sự nối tiếp giữa các thế hệ, là hạnh phúc của một gia đình:

Gốc rễ là cội nguồn tiên tổ, là nền nhân cốt nghĩa của gia tộc nên nổi lên bề thế và vững vàng bám đất. Thân cây là biểu trưng cha mẹ, nên đường đi không thẳng tuột mà phải có những bước ngoặt bởi đã vượt qua bao cam go, bất trắc. Mặt khác thân cây không nhẵn thín, mà trái lại đầy dấu tích của sự nếm trải nhưng vẫn vươn lên kiêu hãnh và nở ngành sinh ngọn. Đó là nhân cách của cha mẹ. Hệ thống cành là biểu trưng con cháu nên không được đơn bạc, khuyết trống, chi trên không đè chi dưới, các chi không tranh giành chen lấn nhau mà phải biết nhường nhịn. Đó là đạo lý làm người của thế hệ con cháu. Ngọn là quả phúc mà các thế hệ kế tiếp đã vươn tới một cách mãn nguyện. Ngọn luôn hướng về cội nguồn, biết ơn cội nguồn. Lá CCNT là sức sống, sức phát triển của gia đình nên không héo hon, úa vàng mà là lá xanh, chồi biếc, đầy hứa hẹn, rực sáng tương lai. Thưởng ngoạn CCNT như vậy trong Thành Công kỳ viên, nơi lòng ta rung lên một xúc cảm sung sướng: mạch nguồn trường tồn xuân sắc của gia đình ta, họ tộc ta, quê hương ta, thành phố ta và đất nước ta mãi mãi phát triển, mãi mãi thịnh vượng.

Lê Quang Khang

(Nhà báo – Nhà nghiên cứu SVC Việt Nam)

Bài viết cùng danh mục

ĐỊA LAN – LOÀI HOA VƯƠNG GIẢ

Thật là có lý, từ ngàn xưa, con người đã dành những từ ngữ tột cùng nói lên sự cao quý bậc nhất của loài…

HOA LAN

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ có hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương…

NGƯỜI CẦM SÚNG LÀ NGƯỜI YÊU HOA CẢNH

  Cầm súng và trồng hoa cây cảnh, hai công việc trái ngược nhau: một biểu tượng của chiến tranh, một biểu tượng của hoà…

NGHỆ THUẬT CHƠI HOA

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được…

ĐÔI LỜI BÀN VỀ CÁC TIÊU CHÍ CỦA – CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Sáng tạo và thưởng ngoạn CCNT là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Cuộc chơi ngàn năm ấy đã tạo…